Đau Tinh Hoàn Một Bên: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Bệnh Lý Nào?

1209 Views

Cơ thể nam giới bình thường có hai tinh hoàn hình quả trứng, được chứa đựng trong túi bìu. Đây là bộ phận sản xuất ra tinh trùng và lượng lớn testosterone, đảm bảo cho phái mạnh thực sự là “đàn ông” đúng nghĩa, cả về thể chất lẫn khả năng tình dục và sinh sản. Vì vậy, bất kỳ biểu hiện đau tinh hoàn một bên nào cũng phải thận trọng theo dõi, điều trị nếu cần thiết.

Cơn đau một bên tinh hoàn có thể cấp tính (đột ngột, nặng và ngắn) hoặc mãn tính (âm ỉ và kéo dài, nhất là sau khi vận động).

Nguyên nhân nào dẫn tới đau tinh hoàn một bên?

Nguồn gốc của cơn đau tinh hoàn có thể do một chấn thương cơ học hoặc tai nạn nào đó gần đây. Đặc biệt là những người mặc quần áo quá bó, người đạp xe đường dài là đối tượng có nguy cơ cao, vì tinh hoàn liên tục bị chèn ép.

Nhưng nếu không phải, hãy cẩn trọng suy xét đến những tình huống dưới đây:

Viêm tinh hoàn

Viêm với dấu hiệu sưng, đau và nóng ở một bên tinh hoàn. Tác nhân gây bệnh có thể là vi khuẩn hoặc virus (thông thường hay do bệnh tình dục). Ở trẻ em, quai bị cũng là một nguyên nhân của viêm tinh hoàn. Lúc này sưng đau tinh hoàn một bên xảy ra khoảng 4 – 6 ngày sau khi nhiễm virus quai bị.

Viêm mào tinh hoàn

Mào tinh hoàn gồm tập hợp các ống mỏng đưa tinh trùng từ tinh hoàn đến ống dẫn tinh và đi ra ngoài cơ thể. Đây cũng là bộ phận rất dễ bị viêm nhiễm gây ra đau đớn. Viêm xảy ra ở một hoặc cả hai bên tinh hoàn. Nó sẽ khiến phái mạnh đau đớn, bìu sưng lên và cảm thấy nóng mỗi khi chạm vào. Viêm mào tinh hoàn cấp tính kéo dài trong vài ngày đến vài tuần, trên 6 tuần được coi là mãn tính.

Đau tinh hoàn một bên do mào tinh bị viêm

Nang tinh trùng

Xảy ra khi có một túi đầy chất lỏng hình thành ở trong mào tinh, gần tinh hoàn. Các nang thường lành tính và ít khi gây đau. Nhưng đôi khi nang tinh trùng đủ lớn làm nam giới bị đau tinh hoàn một bên.

Thoát vị bẹn

Trong thai kỳ, tinh hoàn nằm ở ổ bụng sau đó mới di chuyển xuống bìu. Khi di chuyển, nó kéo theo một phần màng bụng. Kết quả là giữa bìu và bụng được nối với nhau bằng một ống. Thông thường ống này sẽ xơ hóa thành sợi nhỏ khi bé được 1 tuổi, nhưng nếu ống này không thoái hóa, các cơ quan trong ổ bụng mà chủ yếu là ruột có thể lọt xuống bìu và gây đau đớn.

Phần lớn thoát vị bẹn không nguy hiểm, nhưng cũng có trường hợp phải phẫu thuật gấp. Vì vậy nếu nghi ngờ cần thăm khám ngay.

Tràn dịch tinh mạc

Đây là tình trạng xung quanh tinh hoàn được bao phủ bởi lớp chất lỏng. Tràn dịch tinh mạc khá phổ biến với biểu hiện là bìu to, bọng nước gây đâu và khó khăn khi sinh hoạt hoặc lao động.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh

Hệ thống tĩnh mạch thừng tinh làm nhiệm vụ treo tinh hoàn lơ lửng trong bìu và vận chuyển máu từ tinh hoàn về tuần hoàn chung để trao đổi chất. Khi các mạch máu này bị giãn, máu bị ứ đọng lại khiến tinh hoàn đau đớn âm ỉ. Cơn đau nặng hơn lúc vận động, đứng lâu hoặc ngồi lâu và sẽ giảm bớt khi nằm xuống.

Giãn tĩnh mạch tinh hoàn nên được phát hiện cũng như điều trị sớm, vì để lâu dài có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của phái mạnh.

Xoắn dây tinh hay còn gọi là Xoắn tinh hoàn

Đây là nguyên nhân đau tinh hoàn một bên nghiêm trọng nhất. Tinh hoàn tự xoắn quanh trục khiến mạch máu nuôi nó bị tắc nghẽn. Tinh hoàn mất đi nguồn máu nuôi dưỡng bị đau đớn dữ dội. Nam giới phải được cấp cứu ngay để cứu lấy tinh hoàn.

Xoắn tinh hoàn là trường hợp gây đau một bên tinh hoàn cấp tính

Sỏi thận

Sỏi thận gián tiếp tạo ra cơn đau tinh hoàn một bên. Những viên sỏi mắc ở trên đường tiết niệu gây đau nhói lưng và cơn đau này có thể lan tỏa xuống bẹn bìu, đầu dương vật. Sỏi nhỏ có thể tự trôi ra ngoài theo nước tiểu, còn sỏi lớn cần được nội soi tán nhỏ hoặc mổ lấy sỏi.

Hội chứng đau sau thắt ống dẫn tinh

Sau thắt ống dẫn tinh để triệt sản, một số người bị đau tinh hoàn. Cơn đau này có thể do ống dẫn tinh hoặc mào tinh hoàn phải chịu áp lực cao do tinh trùng được sản xuất ra mà không có đường thoát ra ngoài.

Ung thư tinh hoàn

Bệnh ung thư dù ít gặp nhưng không loại trừ bất kỳ ai, đặc biệt là nam giới trong độ tuổi 12 – 35. Ngoài đau tinh hoàn một bên âm ỉ, phái mạnh còn có triệu chứng sưng tinh hoàn, đau vùng bụng dưới. Chẩn đoán sớm khi ung thư chưa di căn thì cơ hội điều trị khỏi sẽ cao hơn.

Khi nào đau tinh hoàn một bên cần phải khám gấp?

Hãy đi khám bác sĩ ngay nếu thấy:

  • Cơn đau đột ngột sau đó âm ỉ
  • Đau tăng nặng theo thời gian
  • Đau kèm triệu chứng khác như sưng, bầm tím nặng, bìu đỏ hoặc căng bóng, sốt, buồn nôn, nôn, rối loạn tiểu tiện (mắc tiểu thường xuyên, nóng rát khi đi tiểu, tiểu lẫn mủ hoặc máu).

Bằng những xét nghiệm cần thiết, bác sĩ chuyên khoa Nam học hoặc Tiết niệu sẽ tìm ra nguyên nhân chính xác và đưa ra phương án điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, bạn có thể áp dụng một số mẹo giúp cơn đau tinh hoàn một bên thuyên giảm, như là uống thuốc giảm đau không kê đơn, tắm bằng nước ấm, chườm đá vào lên bìu, đặt một chiếc khăn cuộn lại dưới bìu khi nằm để nâng đỡ tinh hoàn, hạn chế vận động mạnh.

Nhìn chung, chỉ bằng triệu chứng khó lòng giúp bạn biết được đau một bên tinh hoàn là do đâu và mức độ nguy hiểm của nó. Vì vậy, hãy thăm khám để được hỗ trợ kịp thời.




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Đặt
Lịch
Hẹn
Đau Tinh Hoàn Một Bên: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Bệnh Lý Nào?