Đau Tinh Hoàn, Đau Bìu : Nguyên Nhân, Cách Chẩn Đoán, Phương Pháp Điều Trị Ra Sao ?

2754 Views

Đau bìu, đau tinh hoàn hay đau “hai quả trứng” là những cụm từ mà các anh hay nói về cơn đau tại tinh hoàn. Dù là đau tinh hoàn bên phải hay bên trái đều có thể là dấu hiệu gợi ý các bệnh lý nguy hiểm. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của nam giới, nguy hiểm hơn có thể sẽ mất vĩnh viễn một hoặc cả hai tinh hoàn.

Bài viết dưới đây, Bác sĩ Men’s Health sẽ giúp bạn tìm nguyên nhân của những cơn đau quái gỡ tại vị trí hiểm hóc này.

Trường hợp của N.P.H 22 tuổi, đến Trung tâm Sức khoẻ Nam giới Men’s Health vì đau bìu bên phải. Qua khai thác bệnh sử được biết H. đang là sinh viên năm cuối của một trường đại học, những tháng gần đây H. gần như ngồi không rời khỏi chiếc laptop do tập trung làm đề án tốt nghiệp.

Cứ đến khoảng trưa đến chiều tối là có cảm thấy đau tức ở “hai quả trứng”, đặc biệt đau ở bên phải nhiều hơn. Cảm giác này thường biến mất khi H. nghỉ ngơi.

Ngồi quá nhiều có nguy cơ giãn tĩnh mạch thừng tinh

Bác sĩ Võ Duy Tâm – người tiếp nhận ca bệnh cho biết: “Trường hợp của anh H. rất giống với bệnh lý giãn tĩnh mạch thừng tinh thường gặp ở đa số nam giới ngồi nhiều. Tuy nhiên không chủ quan vì cũng cần phân biệt nhiều bệnh lý khác; hơn nữa đau tinh hoàn bên phải cũng không phải là phổ biến ở giãn tĩnh mạch tinh.”

Trường hợp của bệnh nhân H. sau khi được thăm khám cơ quan sinh dục và siêu âm, Bác sĩ Tâm chẩn đoán H. bị giãn tĩnh mạch thừng tinh cấp độ 1. Tình trạng này không đáng lo ngại nên điều trị bằng thuốc và chú trọng thay đổi lối sống mang lại hiệu quả tốt, cải thiện tình trạng đau tức tinh hoàn. Tuy nhiên nếu để trường hợp nặng hơn, H. có thể cần phải phẫu thuật để điều trị.

Các nguyên nhân gây đau tinh hoàn?

1. Giãn tĩnh mạch thừng tinh

Đây là bệnh lý tại hệ thống tĩnh mạch không dẫn lưu máu tốt, dẫn đến ứ máu ở tinh hoàn. Biểu hiện đau thường gặp ở bên trái hơn, nhưng cũng không ít trường hợp chỉ đau bìu bên phải hoặc đau cả hai bên. Cảm giác căng tức là thường gặp; đôi khi nam giới có thể gặp những cảm giác như tê, châm chích… ở tinh hoàn.

Giãn tĩnh mạch tinh không gây đau bìu dữ dội nên dễ khiến các nam giới chủ quan nhưng ít ai biết được rằng giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể gây tổn thương và ảnh hưởng đến chức năng sản xuất tinh trùng, nội tiết tố nam testosterone.

2. Xoắn dây tinh

Đây là tình trạng cuống mạch máu nuôi tinh hoàn bị xoắn, khiến máu không đến được tinh toàn. Tình trạng thiếu máu này kéo dài có thể gây hoại tử hoàn toàn và bác sĩ buộc phải cắt bỏ tinh hoàn bệnh. Bệnh lý này khiến nam giới có cảm giác đau một cách đột ngột và đau với mức độ dữ dội ở “hai quả trứng”.

3. Viêm mào tinh - Viêm tinh hoàn

Viêm mào tinh hay viêm tinh hoàn là bệnh lý viêm nhiễm thường do vi khuẩn gây ra. Biểu hiện ở tinh hoàn thường sưng to, đỏ, nóng và rất đau. Việc chẩn đoán sớm, điều trị sớm với kháng sinh, kháng viêm, giảm đau thường có kết quả tốt.

Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể diễn tiến nặng, đến áp-xe, hoại tử hay các phản ứng toàn thân. Hậu quả cuối cùng là giảm/mất chức năng của tinh hoàn.

Viêm mào tinh khiến tinh hoàn thường sưng to, đỏ, nóng và rất đau

4. Các nguyên nhân khác dẫn đến đau tinh hoàn

Chấn thương tinh hoàn (vỡ, xuất huyết) thường rất dễ chẩn đoán vì tiền sử chấn thương rõ ràng. Trong khi đó các bệnh lý như nang mào tinh lớn (cấu trúc có vỏ bao, chứa dịch, tồn tại ở mào tinh hoàn) hay tràn dịch tinh mạc (tồn tại lượng dịch ở các lớp bao quanh tinh hoàn) thường khó chẩn đoán hơn.

Nhìn chung các bệnh lý này thường có bìu to, căng, sờ thấy phập phều, không đau dữ dội, chủ yếu cảm giác đau do hiện tượng chèn ép các cấu trúc lân cận.

Trong một số trường hợp, bệnh lý ở vùng khác nhưng cũng có thể gây cảm giác đau ở tinh hoàn, yêu cầu bác sĩ lâm sàng có những chẩn đoán phân biệt, như sỏi đường tiết niệu (đặc biệt là sỏi niệu quản), bệnh lý thoát vị bẹn, các trường hợp tổn thương thần kinh chi phối bìu,…

Đặc biệt, nhóm bệnh lý ác tính tại tinh hoàn cũng cần được loại trừ. Thông thường ung thư tinh hoàn không đau, nhưng cũng không loại trừ việc đau do bướu to chèn ép hoặc biến chứng hoại tử, áp-xe hoá trên khối ung thư.

Lời khuyên từ bác sĩ nam khoa

  • Thường xuyên vận động, sinh hoạt khoa học: tập luyện thể dục thể thao ít nhất 30 phút/ngày và cố gắng duy trì 5 ngày/tuần; ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi đầy đủ.
  • Thường xuyên kiểm tra tinh hoàn trong lúc tắm. Sờ các vị trí như bìu, cả 2 bên tinh hoàn để kiểm tra xem kích thước tinh hoàn có đều nhau không, tinh hoàn có sưng hoặc có khối u nào không. Nếu có những trường hợp trên đến ngay Trung tâm sức khoẻ Nam giới Men’s Health để kịp thời chữa trị.
  • Kiểm tra sức khỏe nam giới định kỳ mỗi 6 tháng để được theo dõi sức khoẻ, giúp phát hiện sớm những bệnh lý về nam khoa và có hướng điều trị thích hợp.

Lời kết

Tinh hoàn là nơi sản xuất tinh binh, duy trì nòi giống của phái mạnh. Chính vì vậy, đau tinh hoàn dù nhẹ hay nặng thì nam giới cũng không nên bỏ qua, cần đến các cơ sở y tế kịp thời để kiểm tra và tìm hiểu nguyên nhân. Liên hệ hotline: 0939 906 999 để được các bác sĩ tư vấn về vấn đề đau tinh hoàn.

“Hiểu đúng để sống đúng, sống khoẻ”




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Đặt
Lịch
Hẹn
Nguyên Nhân Đau Tinh Hoàn Là Gì? Có Nguy Hiểm Không? - Phòng Khám Nam Khoa Men's Health