Nam giới cần lưu ý khi gặp phải tình trạng đi tiểu nhiều bọt. Bởi trong nhiều trường hợp thì đây là vấn đề đáng lo ngại, nếu chậm trễ trong việc can thiệp, bạn có thể phải đối diện với nhiều rắc rối về sức khỏe, ảnh hưởng tới tuổi thọ cũng như bỏ lỡ thời cơ chạy chữa tốt nhất.
Nước tiểu là sản phẩm của thận sau khi lọc máu, được vận chuyển bằng niệu quản xuống dự trữ tại bàng quang. Và khi bàng quang đầy sẽ kích thích đẩy nước tiểu ra ngoài theo đường niệu đạo. Vì vậy, tiểu nhiều bọt phần lớn là dấu hiệu cảnh báo các bệnh trên đường tiết niệu. Cùng tìm hiểu sâu hơn qua bài viết dưới đây nhé!
Tiểu nhiều bọt là do đâu? Khi nào là bệnh?
Có nhiều nguyên nhân khiến cho nước tiểu của nam giới lẫn nhiều bọt. Trong đó phải kể đến:
Đi tiểu mạnh, nhanh: trường hợp bàng quang quá đầy do nạp nhiều chất lỏng cùng một lúc, nhịn tiểu lâu thì khi “xả lũ” rất dễ tạo bọt do dòng nước xối ra mạnh và nhanh. Tuy nhiên bọt này cũng tan nhanh trong thời gian ngắn. Các anh không cần quá lo lắng, nhưng phải bỏ ngay thói quen nhịn đi tiểu vì nó làm tăng nguy cơ tạo sỏi và tạo điều kiện để các vi khuẩn gây viêm đường tiết niệu phát triển
Có protein, vi protein niệu: bình thường thận lọc máu, giữ lại những dinh dưỡng và chỉ thải trừ các chất thừa, chất cặn bã ra ngoài cùng với nước tiểu. Do vậy trong nước tiểu không có hoặc có rất ít protein. Tuy nhiên nếu như máu dư nhiều protein hoặc chức năng thận có vấn đề sẽ xuất hiện protein trong nước tiểu và khiến cho nó có nhiều bọt.
Nước tiểu nhiều bọt chính là triệu chứng điển hình nhất của bệnh thận. Ngoài ra, bệnh về thận còn gồm những dấu hiệu khác như tiểu đêm nhiều, màu nước tiểu nhợt nhạt hay lẫn máu, khó đi tiểu, ngứa, mệt mỏi, phù, ớn lạnh, thở nông, hơi thở có mùi amoniac, giảm máu lên não, đau thắt lưng hay cạnh sườn…
Sự xuất hiện của protein niệu còn có thể do lưu lượng máu tới thận tăng, ở người tập thể dục cường độ cao, suy tim cung lượng cao, sốt mất nước; trẻ em và thanh thiếu niên sau khi đi bộ vài giờ (protein niệu tư thế).
Nhiễm trùng đường tiết niệu: hoạt động của các vi khuẩn, nấm hay virus gây viêm đường tiểu tạo ra bọt và cảm giác nóng rát khi tiểu tiện.
Xuất tinh ngược dòng: bình thường ống dẫn tinh và ống dẫn nước tiểu gặp nhau, gộp thành một ở ngã ba tuyến tiền liệt. Khi xuất tinh, ống dẫn nước tiểu tạm thời đóng để tinh dịch đi ra ngoài dương vật. Nhưng vì một rối loạn khiến cho tinh dịch lội ngược vào trong niệu đạo về phía bàng quang. Tới khi đi tiểu, nước tiểu mang theo tinh dịch này xối ra ngoài tạo thành lượng bọt lớn.
Biến chứng thận do bệnh tiểu đường: việc phải hoạt động gắng sức liên tục để thải trừ đường dư thừa ra ngoài sẽ dễ khiến chức năng thận của người tiểu đường bị suy giảm. Khi bị bệnh này - nhất là những người bệnh lâu năm, phát hiện muộn hoặc kiểm soát đường huyết không tốt, mà thấy nước tiểu có bọt nhiều lâu tan thì phải nghĩ ngay đến biến chứng thận.
Bên cạnh đó còn có một số nguyên nhân khách quan khác khiến phái mạnh có cảm giác tiểu ra nhiều bọt như bồn cầu còn đọng lại chất tẩy rửa có độ nhớt cao, đi tiểu ra nền đất khô…
Xử trí khi thấy nước tiểu nhiều bọt
Nếu đây là lần đầu đi tiểu ra lượng bọt lớn, nam giới cứ bình tĩnh quan sát và đánh giá xem có phải do các yếu tố khách quan hay không. Kế tiếp cần theo dõi trong vài ngày. Tình trạng vẫn tái diễn thì mau chóng tới bệnh viện có chuyên khoa thận – tiết niệu hoặc phòng khám của các bác sĩ chuyên khoa này để kiểm tra ngay.
Bằng xét nghiệm phân tích nước tiểu 10 thông số và các xét nghiệm đánh giá chức năng thận, tìm kiếm dấu hiệu nhiễm trùng… khác, các bác sĩ sẽ chẩn đoán nhanh chóng vấn đề bạn gặp phải là gì, sau đó mới đưa ra phác đồ điều trị cụ thể.
Điều bạn cần làm là chọn địa chỉ đáng tin cậy và tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ về việc dùng thuốc, phẫu thuật hay theo dõi sau đó cho tới khi khỏi hoàn toàn.
Kết luận từ chuyên gia
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao sức khỏe tổng thể, giảm rủi ro mắc bệnh, nam giới cần từ bỏ thói quen xấu như uống nhiều bia rượu, hút thuốc lá, dành thời gian tập thể dục hằng ngày, uống đủ nước, ăn nhiều rau quả, giảm đường – muối – mỡ động vật, kiểm soát tốt các bệnh lý nền và khám sức khỏe định kỳ.
Bạn thấy đấy, nước tiểu nhiều bọt có thể không đáng ngại, nhưng đôi khi lại tiềm ẩn nhiều bệnh lý nguy hiểm. Vì vậy luôn phải theo dõi cơ thể, đánh giá tình hình và thăm khám sớm nếu như phát hiện triệu chứng khác thường. Việc chủ động sẽ giúp bạn nắm bắt được thời điểm vàng để điều trị.