Ngồi Nhiều: Cẩn Thận 3 Bệnh Lý Nguy Hiểm Ghé Thăm

2830 Views

Bạn hãy thử nghĩ! Trung bình nhân viên văn phòng phải ngồi làm việc khoảng 8 tiếng mỗi ngày. Vậy thì 40 năm sau đã làm việc được 96.000 giờ. Điều đó có nghĩa bạn mất 11 năm chỉ để ngồi. Chưa kể đến việc chúng ta ngồi ăn, xem tivi, đọc sách nữa đấy.

Phải chăng bạn đang dành quá nhiều thời gian để ngồi và không biết rằng ngồi nhiều có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm ở xương khớp, tiêu hóa, tĩnh mạch vùng dưới.

1. Ngồi nhiều và bệnh lý cơ xương khớp

Ngồi quá nhiều với cùng một tư thế khiến vùng phần thân trên của cơ thể không được thư giãn. Các cơ cổ, sau gáy, cột sống thắt lưng phải giữ và duy trì liên tục làm tăng áp lực vùng cơ và cột sống. Điều này dễ dẫn đến mỏi cơ hoặc bị chuột rút.

Ngoài ra, do vùng đốt sống phải chịu áp lực liên tục, các đĩa đệm bị phù nề và xơ hóa dần theo thời gian. Cuối cùng dẫn đến đau dây thần kinh tọa, chèn ép rễ thần kinh và thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống cổ và vùng thắt lưng. 

Các bệnh lý này tiến triển dần theo thời gian và diễn tiến nặng nề. Đến khi nam giới đi khám sức khỏe và can thiệp điều trị thì tình trạng bệnh lý mới ổn định.

2. Ngồi nhiều và bệnh lý đường tiêu hóa

Hệ thống tiêu hóa của con người là một đường ống trải dài từ miệng đến hậu môn với chức năng tiêu hóa, hấp thu chất dinh dưỡng và bài tiết các chất thải. Ngồi lâu làm việc hoặc ở tư thế tĩnh tại trong thời gian dài khiến cho nhu động đường ruột và tiết dịch đường tiêu hóa giảm, dẫn đến rối loạn tiêu hóa. 

Người bệnh có thể bị tiêu chảy, táo bón, giảm hấp thu dinh dưỡng. Ngoài ra, nam giới lười vận động cũng dẫn đến thừa cân, béo phì. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh lý tim mạch.

3. Ngồi nhiều và bệnh giãn tĩnh mạch vùng thân dưới

Tình trạng ngồi nhiều khiến cho máu và dịch tụ ứ ở phần thấp của cơ thể. Cụ thể, lần lượt từ dưới lên gồm vùng chân, bìu và hậu môn dễ bị ứ đọng máu trong tĩnh mạch.

Dẫu biết rằng các tĩnh mạch vùng thân dưới của cơ thể có hệ thống van dẫn lưu máu một chiều. Tuy nhiên, theo thời gian việc ứ đọng máu liên tục và không có sự hỗ trợ của các cơ quan lân cận như cơ bắp, khiến quá trình hồi lưu máu ngưng trệ. Lâu ngày làm cho máu bị ứ đọng trong tĩnh mạch nhiều hơn. Hệ quả là hệ thống van tĩnh mạch ở vùng thân dưới cơ thể trở nên suy yếu dần và gây giãn tĩnh mạch. 

Giãn tĩnh mạch ở các nơi khác nhau cũng được gọi tên không giống nhau. Nếu như ở chân thì được gọi là giãn tĩnh mạch chân hoặc chi dưới. Ở hậu môn được gọi là trĩ. Còn đối với ở bẹn bìu của nam giới thì được gọi là giãn tĩnh mạch thừng tinh.

Giãn tĩnh mạch ở các vùng này dẫn đến các biến chứng cho vùng thân dưới như:

- Xuất huyết hậu môn.

- Thuyên tắc tĩnh mạch sâu gây nguy cơ thuyên tắc phổi.

- Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể gây teo tinh hoàn, vô sinh do ảnh hưởng đến sinh lý của tinh hoàn.

Lời khuyên bác sĩ

Tóm lại, nhiều công việc có đặc thù là ngồi lâu ít nhất 6-8 tiếng một ngày. Đó là tính chất công việc, không thể thay đổi được. Vậy thì chỉ còn cách phái mạnh phải tập thích ứng với môi trường làm việc, thay đổi thói quen làm việc như:

- Hạn chế ngồi lâu 2-3 tiếng liên tục. 

- Luôn tạo lý do để đứng lên như đi pha cà phê, đi vệ sinh, đến nói chuyện công việc với đồng nghiệp thay vì nhắn tin… 

- Thường xuyên giải lao giữa giờ bằng các động tác xoay cổ, nhún vai, vặn người nhẹ nhàng. Những bài tập đó vừa giúp giãn gân cốt, vừa giúp bạn hạn chế các bệnh lý nguy hiểm do lười vận động gây ra. 

Ngoài ra, đối với nam giới ngồi nhiều trong nhiều năm cần theo dõi sức khỏe định kỳ. Khi có triệu chứng bất thường trên cơ thể thì tốt nhất nên đến các cơ sở y tế thăm khám và tầm soát sớm để tránh các biến chứng đáng tiếc về sau.




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Đặt
Lịch
Hẹn
Ngồi Nhiều: Cẩn Thận 3 Bệnh Lý Nguy Hiểm Ghé Thăm