Những bệnh thường gặp ở bàng quang có thể tác động đến cơ chế hoạt động của bàng quang và kéo theo những bệnh lý nguy hiểm khác. Phát hiện sớm những bất thường ở bàng quang giúp quá trình điều trị dễ dàng và kịp thời hơn.
Bàng quang là gì?
Bàng quang là một túi cơ trong khung chậu, nằm phía trên và sau xương mu. Dung tích bình thường của nó có thể chứa từ 400-600 ml. Ngoài ra, bên trong bàng quang còn được lót bởi các lớp mô cơ căng ra để giữ nước tiểu.
Vai trò của bàng quang
Bàng quang là nơi chứa và dự trữ nước tiểu cho cơ thể. Cụ thể, nước tiểu được tạo ra trong thận, sau đó từ thận đi xuống hai ống niệu quản rồi mới đến bàng quang. Khi đi tiểu, cơ bàng quang co bóp đẩy nước tiểu đến niệu đạo, cuối cùng là ra khỏi cơ thể.
Các bệnh thường gặp ở bàng quang:
Viêm bàng quang
Viêm bàng quang xảy ra khi bàng quang bị nhiễm trùng cấp tính bởi vi khuẩn. Đây là một bệnh lý rất phổ biến, chiếm khoảng trên 50% số ca nhiễm trùng đường tiết niệu. Một số trường hợp, bệnh lý này có thể tái phát nhiều lần trong thời gian dài.
- Triệu chứng viêm bàng quang:
- Thường xuyên mắc tiểu.
- Tiêu máu, tiểu đục hoặc nước tiểu nặng mùi.
- Cảm giác nặng tức hoặc đau bụng dưới khi buồn tiểu hoặc khi rặn tiểu.
- Đau khi quan hệ tình dục
- Cảm giác áp lực hoặc đầy bàng quang không giảm ngay sau khi đi tiểu
- Nguyên nhân của viêm bàng quang:
- Viêm niệu đạo.
- Dùng các thuốc hóa trị các khối u ác tính như cyclophosphamide, ifosfamide.
- Từng xạ trị ở vùng xương chậu.
- Sử dụng các hóa chất như dung dịch vệ sinh vùng kín gây kích ứng,...
- Điều trị viêm bàng quang:
Nội soi bàng quang hoặc xét nghiệm nước tiểu để xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng của viêm bàng quang. Dựa vào nguyên nhân, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.
Sỏi tiết niệu
Sỏi tiết niệu thường xảy ra ở những đối tượng nam giới có độ tuổi từ 40-65 tuổi. Bất kỳ bộ phận nào của đường tiết niệu đều có khả năng bị sỏi đường tiết niệu.
- Triệu chứng sỏi tiết niệu: .
- Đau bụng kèm buồn nôn, trướng bụng.
- Đau vùng thắt lưng, lúc thì âm ỉ suốt ngày, khi thì cơn đau dữ dội (đau lăn lộn không thể ngồi, nằm yên được).
- Tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu són, tiểu ra máu, nước tiểu thường đục.
- Sốt cao, rét run.
- Nguyên nhân gây sỏi tiết niệu:
- Tăng lượng muối khoáng hòa tan trong nước tiểu: oxalat, canxi, urat,...
- Không cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể mỗi ngày và thường xuyên nhịn không đi tiểu.
- Bệnh nhân có bệnh nền nhiễm trùng đường tiết niệu, u tiền liệt tuyến,...
- Ảnh hưởng từ yếu tố di truyền,...
- Ăn uống thiếu khoa học, bị dư muối hoặc hấp thụ quá nhiều canxi,...
- Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy những người thừa cân hoặc có chế độ ăn nhiều dầu mỡ cũng là đối tượng nguy cơ của sỏi tiết niệu
- Điều trị sỏi tiết niệu:
- Một số phương pháp điều trị sỏi tiết niệu có thể kể đến như điều trị nội khoa, tán sỏi, mổ nội soi, mổ mở. Tùy theo từng loại sỏi tiết niệu, lứa tuổi, sức khỏe của từng đối tượng bệnh nhân, bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp.
- Ngoài ra, người bệnh cần uống nhiều nước (mỗi ngày từ 1,5 - 2,0 lít), kết hợp với dùng thuốc (có chỉ dẫn của bác sĩ) nhằm đào thải sỏi ra ngoài bằng đường tiểu.
- Vệ sinh sạch sẽ vùng kín mỗi ngày cũng như thực hiện chế độ ăn hợp lý, hạn chế ăn các loại thức ăn giàu canxi (tôm, cua, ốc).
Ung thư bàng quang
Ung thư bàng quang là loại ung thư xảy ra ở bàng quang. Bên trong thành bàng quang là lớp niêm mạc được cấu tạo từ các tế bào chuyển tiếp và tế bào vảy. Có hơn 90% ung thư bàng quang xuất phát từ tế bào chuyển tiếp, gọi là ung thư biểu mô chuyển tiếp.
- Triệu chứng ung thư bàng quang:
- Tiểu ra máu.
- Đi tiểu thường xuyên.
- Đau khi đi tiểu.
- Đau lưng dưới:
- Nguyên nhân ung thư bàng quang
- Hút thuốc lá thời gian dài hoặc ung thư do di truyền từ gia đình.
- Tiếp xúc với kim loại và hóa chất như sơn, thuốc nhuộm hoặc các sản phẩm dầu mỏ.
- Từng điều trị xạ trị vùng chậu hoặc sử dụng thuốc chống ung thư (cyclophosphamide, ifosfamide).
- Dùng nước giếng có hàm lượng asen cao để uống hoặc uống nước đã được xử lý bằng clo.
- Do nhiễm trùng bàng quang.
- Nguy cơ mắc bệnh ung thư thường gặp ở những người trên 40 tuổi.
- Điều trị ung thư bàng quang:
Các phương pháp xử lý ung thư bàng quang tiêu chuẩn được sử dụng bao gồm:
- Phẫu thuật: Sau khi phẫu thuật loại bỏ tất cả ung thư, bệnh nhân được bổ trợ điều trị bằng thuốc để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại nhằm giảm nguy cơ ung thư tái phát.
- Xạ trị: sử dụng tia X năng lượng cao hoặc các loại bức xạ khác tiêu diệt tế bào ung thư, ngăn chúng phát triển.
- Hóa trị liệu: sử dụng thuốc để ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư, bằng cách triệt tiêu các tế bào hoặc ngăn chúng phân chia.
- Liệu pháp sinh học (miễn dịch): sử dụng hệ thống miễn dịch của bệnh nhân để chống lại ung thư.
- Liệu pháp nhắm mục tiêu: giúp xác định tế bào ung thư để tiêu diệt và có thể ít gây hại cho các tế bào bình thường.
Kết luận
Những bệnh thường gặp ở bàng quang có những biến chứng rất khó lường nếu không kịp phát hiện và xử lý. Cách tốt nhất để người bệnh chủ động trong việc thăm khám và điều trị bệnh là liên hệ với bác sĩ ngay khi phát hiện những triệu chứng bất thường.
Việc xét nghiệm và điều trị đúng cách bởi bác sĩ chuyên nam học sẽ giúp tìm ra nguyên nhân chính xác và đưa ra phương án điều trị phù hợp ngăn chặn tình trạng bệnh diễn biến nặng hơn.