Tình hình giãn cách xã hội, di chuyển khó khăn ảnh hưởng đến mọi mặt trong cuộc sống, trong đó có việc khám chữa bệnh. Dù rằng, đối với một số bệnh lý nam khoa có thể được trì hoãn hoặc hướng dẫn điều trị tại nhà. Tuy nhiên, cũng có những bệnh cấp tính cần bác sĩ can thiệp sớm. Việc trì hoãn thăm khám, không chỉ khiến bệnh tiến triển nặng mà còn làm cho việc điều trị sau này khó khăn và chi phí tốn kém hơn.
Bệnh lý nam khoa cần cấp cứu gấp
Anh Trần Văn B, 25 tuổi ngụ tại Hóc-Môn, TP.HCM lâm vào tình trạng chảy máu ở cậu nhỏ trong lúc quan hệ. Anh B kể trong lúc đang quan hệ với bạn gái, cảm thấy đau xé, chảy máu nhiều ở đầu dương vật. Điều này khiến cả anh khá bối rối và lo lắng.
Anh B. liên lạc đến Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men’s Health và được chẩn đoán từ xa. Tiếp nhận trường hợp của anh B., bác sĩ Vũ Đức Công khuyên bệnh nhân bình tĩnh và rửa sạch cậu nhỏ bằng nước muối sinh lý để xem xét vết thương.
Nhận định ban đầu, bác sĩ thấy rằng bệnh nhân bị đứt dây thắng. Nguyên nhân có thể do quan hệ quá mạnh, kèm theo tình trạng ngắn dây thắng dương vật nên dễ xảy ra tình trạng này. Bác sĩ hướng dẫn anh B băng bó cầm máu và đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý vết thương.
Trường hợp đứt dây thắng đa phần bệnh nhân có thể tự cầm máu được. Tuy nhiên để vết thương lành tốt và tránh trường hợp bị lại lần sau thì thời điểm đứt dây thắng, nam giới nên đến cơ sở y tế chuyên về nam khoa uy tín để được phẫu thuật tạo hình dây thắng.
Bác sĩ Công cho biết.
Ngoài đứt dây thắng, các bệnh lý cấp cứu khác trong nam khoa có thể gặp là gãy cậu nhỏ, xoắn dây tinh (còn được gọi là xoắn tinh hoàn)… là những cấp cứu bắt buộc phải vào bệnh viện để chữa trị vì có thể gây ảnh hưởng về sinh lý về sau.
Trường hợp bệnh cấp tính cần điều trị sớm trong mùa dịch
Anh Nguyễn Thanh D, 31 tuổi, ngụ tại Quận 5, TP.HCM bị đau tinh hoàn, nhưng không đi khám khiến bệnh tình ngày một nặng hơn. Cụ thể, anh D cảm thấy vùng tinh hoàn bên trái của mình đột nhiên đau hơn khi sờ lúc tắm, diễn tiến dần mỗi ngày. Tinh hoàn ngày càng sưng to hơn, sờ nhẹ cũng thấy đau. Anh tự uống thuốc giảm đau mỗi ngày đến ngày thứ 7 thì tinh hoàn bên trái to gần gấp đôi so với bên còn lại, kèm theo cảm thấy hơi nóng sốt khi hết thuốc.
Anh D liên hệ Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men's Health để được tư vấn và điều trị. Tiếp nhận trường hợp của anh D, bác sĩ Vũ Đức Công sàng lọc các triệu chứng nhiễm COVID-19 và chưa thấy bệnh nhân có dấu hiệu phơi nhiễm. Qua tư vấn trực tuyến, bác sĩ nhận định anh D có thể đang bị viêm tinh hoàn - mào tinh bên trái. Trường hợp này cần được điều trị bằng thuốc tích cực trong ít nhất 1-2 tuần.
Nếu như trong bối cảnh bình thường, có thể thăm khám trực tiếp, siêu âm doppler bẹn bìu để chẩn đoán chắc chắn hơn. Tuy nhiên, với tình hình bệnh diễn tiến nặng và triệu chứng viêm tinh hoàn tương đối rõ rệt, bác sĩ Công đã ra toa để anh D điều trị. Sau khi nhận được thuốc điều trị và theo dõi mỗi ngày, sau 3 ngày, tình trạng bệnh của anh D giảm hẳn. Sau 2 tuần, “trứng chim” bên trái của gần như trở về bình thường. Bác sĩ Công khuyên bệnh nhân sau khi được gỡ bỏ cách ly thì nên thăm khám và đánh giá lại.
Lời khuyên bác sĩ
Có thể nói, nhiều bệnh lý trong nam khoa có thể được trì hoãn quá trình điều trị như xuất tinh sớm, rối loạn cương,... Thế nhưng, các bệnh lý viêm nhiễm như: viêm tinh hoàn, viêm niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt,… hoặc các bệnh lý cấp cứu trong nam khoa cần can thiệp sớm, tránh để lại di chứng.
Trong mùa dịch COVID-19 này nếu nam giới cảm thấy việc di chuyển khó khăn khiến cho việc thăm khám trở nên bất tiện, hãy liên hệ đến các cơ sở y tế có chuyên khoa Nam khoa để được tư vấn "online". Trong trường hợp nghiêm trọng cần đến trực tiếp để xử lý kịp thời. Điều này, không chỉ giúp các anh quản lý được sức khỏe của mình, vẫn giữ được an toàn trong mùa dịch.
Đi khám bệnh, phái mạnh cần lưu ý:
- Đặt lịch hẹn trước để hạn chế thời gian chờ đợi
- Tải app PC Covid và khai báo y tế
- Tuân thủ quy tắc sàng lọc tại nơi khám chữa bệnh
- Thực hiện nguyên tắc 5K
Bác sĩ nam khoa Vũ Đức Công