Viêm tuyến tiền liệt thường xuất hiện sau nhiều lần nhiễm trùng ngược dòng ở đường tiết niệu. Căn bệnh này nếu bệnh diễn tiến nặng có thể dẫn đến các biến chứng khó điều trị như: rối loạn đi tiểu, rối loạn chức năng sinh dục, vô sinh, nhiễm trùng huyết….
Thông tin bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Võ Duy Tâm tại Trung Tâm Sức Khỏe Nam Giới Men’s Health.
Viêm tuyến tiền liệt là gì?
Viêm tuyến tiền liệt là sự sưng đau của bộ phận này. Đây là tuyến thuộc hệ tiết niệu, tham gia hoạt động tiểu tiện nhưng có liên đến quan chức năng sinh sản và hoạt động tình dục. Nguyên nhân gây nên viêm tuyến tiền liệt có thể do nhiễm khuẩn hoặc không phải do nhiễm khuẩn, được chia làm 4 thể bệnh như sau:
- Viêm tiền liệt tuyến cấp tính vì nhiễm vi khuẩn
- Viêm tiền liệt tuyến mãn tính có nhiễm khuẩn
- Viêm tiền liệt tuyến mãn tính không nhiễm khuẩn hoặc có khi gọi là hội chứng đau vùng chậu mãn tính
- Viêm tiền liệt tuyến không triệu chứng
Dấu hiệu nhận biết viêm tuyến tiền liệt
Triệu chứng viêm tuyến tiền liệt khác nhau tùy theo tình trạng bệnh, nguyên nhân gây viêm. Nhìn chung, khi bị viêm tuyến tiền liệt ở nam giới, người bệnh sẽ có các dấu hiệu:
- Đau rát khi đi tiểu
- Tiểu khó, tiểu nhỏ giọt, tiểu ngập ngừng
- Tiểu nhiều, tiểu đêm
- Cảm giác muốn đi tiểu liên tục
- Nước tiểu đục và/hoặc có máu
- Đau bụng, đau bẹn, đau lưng dưới
- Đau khu vực đáy chậu như ở giữa bìu, trực tràng
- Đau dương vật, tinh hoàn
- Đau khi xuất tinh
- Đau nhức cơ, ớn lạnh, sốt
Chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt
Chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt dựa vào triệu chứng của bệnh và thăm khám lâm sàng của bác sĩ. Tiếp đó, các quý ông sẽ thực hiện một số xét nghiệm nếu bác sĩ có chỉ định, bao gồm:
- Xét nghiệm nước tiểu để tìm dấu hiệu nhiễm trùng.
- Xét nghiệm máu để tìm dấu hiệu nhiễm trùng và các vấn đề khác về tuyến tiền liệt.
- Xét nghiệm hình ảnh học đường tiết niệu và tuyến tiền liệt: siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT Scan)
Dựa vào kết quả xét nghiệm và triệu chứng của bệnh, bác sĩ có thể xác định loại viêm tiền liệt tuyến và chỉ định phương pháp điều trị cụ thể cho người bệnh.
Viêm tuyến tiền liệt để lâu có nguy hiểm không?
Viêm tuyến tiền liệt ở nam giới là một bệnh lý có thể quản lý và điều trị tốt. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không phát hiện và kịp thời điều trị, căn bệnh này có thể tiến triển thành những biến chứng nghiêm trọng như đau mạn tính, rối loạn chức năng sinh dục, vô sinh, hiếm muộn.
Viêm tuyến tiền liệt có tự khỏi không?
Viêm tuyến tiền liệt không thể tự khỏi hoàn toàn nếu không được điều trị dứt điểm. Căn bệnh có thể diễn biến dai dẳng hoặc gây nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng máu, viêm nội mạc cơ tim, viêm mào tinh hoàn, áp xe tuyến tiền liệt, nhiễm khuẩn huyết hoặc thậm chí là vô sinh. Đây là những tình trạng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và chất lượng sống người bệnh nếu không được theo dõi và chữa trị đúng cách.
Viêm tuyến tiền liệt có khả năng làm tăng chỉ số kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt (PSA) trong máu. Điều này dẫn đến việc gây nhầm lẫn trong chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt. Điều trị viêm tuyến tiền liệt là bệnh lý có thể điều trị dứt điểm bằng thuốc.
Tự chữa viêm tuyến tiền liệt tại nhà được không?
Ngoài phương pháp điều trị viêm tuyến tiền liệt bằng thuốc, bệnh nhân có thể áp dụng đồng thời các biện pháp khác tại nhà nhằm đẩy nhanh quá trình chữa khỏi bệnh.
Tham khảo các biện pháp tự chữa viêm tuyến tiền liệt tại nhà:
- Chuẩn bị nước ấm và ngâm vùng hậu môn, dương vật vào đấy để làm giãn các cơ, cải thiện cơn đau.
- Uống nhiều nước giúp tăng khả năng đào thải vi khuẩn gây nhiễm trùng.
- Chơi thể thao có cường độ vừa phải để tăng cường trao đổi chất. Nhưng cần hạn chế các hoạt động làm tăng áp lực lên tiền liệt tuyến như đạp xe hay nâng tạ.
- Vệ sinh vùng kín và cơ thể đúng cách ngăn ngừa khả năng bội nhiễm.
- Bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng, khoáng chất và vitamin nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể.
- Nâng cao chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng thừa cân - béo phì.
- Sử dụng các biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục để ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm.
Nếu bệnh nhân tuân thủ theo chỉ dẫn điều trị của bác sĩ, viêm tuyến tiền liệt mãn tính có thể được chữa khỏi dứt điểm. Điều trị đúng cách còn giúp người bệnh ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng của bệnh.
Các phương pháp chữa viêm tuyến tiền liệt
Điều trị viêm tuyến tiền liệt phụ thuộc chủ yếu vào nguyên nhân và triệu chứng của người bệnh. Sau khi chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ sẽ dựa trên kết quả và chỉ định phương pháp điều trị viêm tuyến tiền liệt phù hợp.
Viêm tuyến tiền liệt nguyên nhân do vi khuẩn cấp tính
- Điều trị nội khoa bằng thuốc, đồng thời kết hợp với thời gian nghỉ ngơi.
- Sử dụng điều trị bao gồm thuốc giảm đau, nhuận tràng như: ofloxacin 300mg hoặc ciprofloxacin 500mg.
- Nếu người bệnh có triệu chứng nhiễm khuẩn huyết sẽ phải cấy máu, cấy nước tiểu và kháng sinh đồ. Trường hợp, bệnh nhân đáp ứng lâm sàng tốt sẽ chuyển sang điều trị kháng sinh đường uống.
Viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn mạn tính
- Điều trị bằng thuốc kháng sinh đường uống.
- Sử dụng thuốc Fluoroquinolones hoặc dựa vào điều kiện sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ kê thuốc chẹn alpha, thuốc chống viêm hoặc thuốc giãn cơ.
- Điều trị dựa trên những triệu chứng của người bệnh để chỉ định những cách chữa viêm tuyến tiền liệt phù hợp.
Viêm tuyến tiền liệt không triệu chứng
Bệnh nhân sẽ không cần phải điều trị nếu viêm tuyến tiền liệt không xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên, người bệnh không nên chủ quan, cần lưu ý đến sức khỏe cũng như theo dõi tình trạng tuyến tiền liệt. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào, bệnh nhân cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị.
Lời khuyên bác sĩ
Viêm tuyến tiền liệt là một bệnh phức tạp nhưng hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm nếu được chẩn đoán sớm và điều trị sớm. Nam giới cũng cần cẩn trọng và nâng cao biện pháp phòng ngừa cũng như nhận biết dấu hiệu của bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Lưu ý các yếu tố có thể dẫn đến viêm tuyến tiền liệt:
Lưu ý các yếu tố có thể dẫn đến viêm tuyến tiền liệt:
- Bệnh lý có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, phổ biến nhất là độ tuổi trung niên, độ tuổi 50.
- Khả năng tái bệnh cao xảy ra ở người có bệnh sử về viêm tuyến tiền liệt.
- Những trường hợp bị nhiễm trùng hệ tiết niệu hoặc bộ phận sinh dục.
- Trường hợp bệnh nhân từng sử dụng ống thông tiểu để dẫn lưu bàng quang.
- Người hay căng thẳng tâm lý, lo âu, áp lực....
- Thương tổn dây thần kinh ở vùng chậu do phẫu thuật hoặc do chấn thương.
Các quý ông có thể liên hệ tư vấn hotline cùng bác sĩ nam khoa hoặc thăm khám sức khỏe định kỳ. Điều này giúp theo dõi được tình trạng sức khỏe bản thân, cũng như phát hiện dấu hiệu bất thường của viêm tuyến tiền liệt và kịp thời điều trị.