Viêm Bàng Quang Ở Nam Giới Có Nguy Hiểm Không?

1956 Views

Các bệnh lý nhiễm khuẩn ở đường tiết niệu dưới, trong đó có viêm bàng quang ở nam giới, nếu được tiếp cận và xử lý đúng có thể sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ. Đặc biệt, viêm bàng quang ở nam giới là một tình huống phức tạp, cần được quản lý chặt chẽ.

Bài viết sau đây được tham vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Duy Tâm - Trung tâm sức khỏe Nam Giới Men's Health.

Trường hợp anh Trần Thế H, 27 tuổi, ngụ tại quận 7 TPHCM là một chàng trai trẻ, là nhân viên văn phòng được hơn 3 năm. Trong 1 tháng gần đây, H. xuất hiện các biểu hiện đi tiểu lắt nhắt, cứ tầm 45 phút đến 1 giờ là đi tiểu 1 lần. Kèm theo đó là cảm giác nóng buốt khi đi tiểu. Cứ ngỡ là biểu hiện “nóng trong người”, H. chủ động uống nhiều nước hơn và mua thuốc ở những cửa hiệu thuốc tây uống.

Những ngày sau cảm giác nóng buốt có phần nào thuyên giảm nhưng vấn đề đi tiểu nhiều lần, tiểu lắt nhắt ngày càng trầm trọng. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và làm người bệnh không thể nào tập trung vào công việc. Một tuần trở lại đây, H. thường cảm thấy tưng tức bụng dưới và hiện tượng nóng buốt đường tiểu quay trở lại. Không thể chịu dựng hơn được nữa, H quyết định đi khám.

Trực tiếp thăm khám cho anh H. là Bác sĩ Võ Duy Tâm. Sau khi trò chuyện về dấu hiệu bệnh, bác sĩ Tâm chẩn đoán sơ bộ đây là một trường hợp nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới, nghĩ nhiều là viêm bàng quang. Bác sĩ tư vấn và chỉ định thực hiện xét nghiệm cơ bản gồm: xét nghiệm nước tiểu, phết dịch niệu đạo soi kính hiển vi và siêu âm bụng tổng quát. Hơn nữa, vì bệnh diễn tiến đã lâu, Bác sĩ Tâm cẩn thận cho H. thực hiện thêm cấy nước tiểu trước khi có bất kỳ can thiệp nào.

Kết quả ban đầu cho thấy trong nước tiểu xuất hiện bạch cầu – một tế bào miễn dịch của cơ thể, thường được tiết ra khi có sự xâm nhập của vi khuẩn và các yếu tố ngoại lai. Trong dịch niệu đạo không có dấu hiệu nhiễm khuẩn rõ ràng. Trong khi siêu âm bụng ghi nhận thành bọng đái dày. Đây là một tình huống thường thấy của bệnh lý viêm bàng quang.

Viêm bàng quang có nguy hiểm không?

Nguyên nhân chủ yếu gây viêm bàng quang là vi khuẩn ngược dòng từ bên ngoài vào đường tiểu. Trong khi ở nam giới, khoảng cách từ lỗ tiểu vào đến bàng quang khá xa, tầm 20cm. Vi khuẩn còn phải đi qua nhiều lớp phòng vệ của cơ thể trước khi vào đến trong gây bệnh. Vì vậy, bàng quang bị viêm là một bệnh lý có phần phức tạp và có thể gây khó khăn cho điều trị, cũng như để lại biến chứng và di chứng về sau nếu không được quản lý chặt chẽ

Bác sĩ Tâm chia sẻ

Biểu hiện bệnh viêm bàng quang

Biểu hiện của một trường hợp viêm bàng quang là sự xuất hiện của các biểu hiện kích thích bàng quang (tương tự trường hợp anh H. kể trên):

  • Tiểu gắt, tiểu buốt, tiểu đau
  • Tiểu lắt nhắt: Thường được hiểu là đi tiểu một cách thường xuyên, cứ dưới 2 tiếng phải đi tiểu 1 lần nhưng mỗi lần đi tiểu lại rất ít nước tiểu. Những trường hợp nặng nề có thể đi tiểu 15-30 phút đi tiểu một lần.
  • Tiểu gấp: người bệnh không thể nhịn tiểu được mỗi lần mắc tiểu.

Ngoài ra, có thể xuất hiện triệu chứng tiểu có máu, đau bụng dưới mỗi lần đi tiểu (vùng hạ vị) hoặc đau râm ran, âm ỉ vùng này.

Hậu quả viêm bàng quang nếu không điều trị đúng cách

  • Viêm bàng quang ảnh hưởng trầm trọng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Việc có cảm giác đau âm ỉ liên tục ở vùng bụng dưới tạo cảm giác bất an. Đi tiểu không thông thoáng, thậm chí đau đớn khiến một trong những nhu cầu cơ bản nhất của con người bị tổn hại. Hơn nữa, cứ 15-30 phút hoặc tầm một giờ phải đi tiểu thì không thể nào có đủ sự tập trung cho các công việc hằng ngày.
  • Viêm bàng quang không điều trị hoặc điều trị không đúng có thể dẫn đến nhiễm khuẩn lan rộng sang xung quanh, lên niệu quản, thận. Một số chuyển sang dạng viêm mạn tính rất khó điều trị. Hậu quả bàng quang tăng hoạt sau viêm có thể dày vò bệnh nhân suốt đời. Trong đó viêm bàng quang do vi khuẩn đa kháng kháng sinh là một điều rất tồi tệ.

Như trường hợp của H. phải đến đợt kháng sinh thứ 2 sau khi có kết quả cấy kèm kháng sinh đồ mới có thể chính thức dập tắt được bệnh. Trong những tình huống bệnh sử kéo dài, đã sử dụng thuốc nghĩ là kháng sinh phổ rộng hoặc bệnh nhân đi khám nhiều nơi, điều trị nhiều lần, việc cấy nước tiểu trước điều trị kháng sinh là một điều quan trọng nên thực hiện để quản lý bệnh nhân tốt hơn

Bác sĩ Tâm trình bày thêm

Phòng ngừa bệnh viêm bàng quang

  • Tập thói quen như uống nhiều nước, không nhịn tiểu quá lâu có thể giúp ích.
  • Vệ sinh cơ quan sinh dục trước và sau quan hệ. Ngoài ra, chủ động đi tiểu sau quan hệ cũng giúp hạn chế vi khuẩn ngược dòng vào bàng quang.
  • Chăm sóc vùng kín một cách kỹ càng và khoa học: vệ sinh dương vật mỗi ngày (nhớ kéo hết lớp da quy đầu xuống), có thể dùng thêm dung dịch vệ sinh dành cho nam.

Kết luận

Tóm lại, viêm bàng quang ở nam giới là một bệnh lý phức tạp, có thể để lại hậu quả nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống nếu không điều trị đúng phác đồ. Nam giới chú ý khi có các dấu hiệu bất thường trong tiểu tiện, nên tìm đến các bác sĩ chuyên gia về Tiết niệu – Nam khoa để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị.




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Đặt
Lịch
Hẹn
Viêm Bàng Quang Ở Nam Giới Có Nguy Hiểm Không?