Giãn Tĩnh Mạch Thừng Tinh: Nguyên Nhân, Triệu Chứng & Điều Trị

2110 Views

Trong nhiều trường hợp, giãn tĩnh mạch thừng tinh gây ra các rối loạn nội tiết tố nam, giảm số lượng và chất lượng tinh trùng. Từ đó, căn bệnh này còn có thể gây vô sinh ở nam giới nếu không được điều trị kịp thời.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là gì?

Thừng tinh là một cấu trúc nối tinh hoàn với phần dưới ổ bụng. Bên trong thừng tinh chứa nhiều cấu trúc: ống dẫn tinh, các mạch máu, mạch bạch huyết và các dây thần kinh. Khi giãn tĩnh mạch thừng tinh xảy ra, các tĩnh mạch nằm trong thừng tinh bị giãn nở, trở nên lớn hơn bình thường.

Người bệnh có thể nhận thấy bằng mắt thường nếu tĩnh mạch bị giãn nghiêm trọng. Tình trạng này có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên tinh hoàn. Tuy nhiên, đa phần nam giới thường bị giãn tĩnh mạch thừng tinh bên trái.

Triệu chứng có thể nhận biết giãn tĩnh mạch thừng tinh

  • Cảm thấy đau, ê, tức, nặng, dị cảm ở một hoặc hai bên bìu.
  • Sờ vào bìu cảm thấy có các cấu trúc như búi giun.
  • Tinh hoàn có kích thước bất thường, bên to bên nhỏ, không đều nhau.
  • Tinh hoàn chảy xệ

Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch thừng tinh

Bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh hiện vẫn còn nhiêu tranh cãi về nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng tình trạng này hình thành khi có các bệnh lý liên quan đến van mạch máu trong tĩnh mạch, khiến máu không thể lưu thông một chiều như bình thường, mà có xu hướng ứ động lại trong hệ thống tĩnh mạch. Máu bị ứ đọng làm cho các tĩnh mạch mở rộng và giãn ra. Điều này có thể dẫn đến những tổn thương cho tinh hoàn và làm giảm khả năng sinh sản ở nam giới.

Biến chứng giãn tĩnh mạch thừng tinh

Các biến chứng của bệnh có thể xảy ra bao gồm:

  • Đau bìu mạn tính: Đau âm ỉ, kéo dài, kém đáp ứng điều trị
  • Tinh hoàn teo nhỏ, trở nên mềm và suy giảm chức năng.
  • Tổn thương tinh hoàn, giảm số lượng và chất lượng tinh trùng.
  • Ảnh hưởng đến sự hình thành, di chuyển và hình dạng của tinh trùng.

Liệu pháp điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh:

Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể không cần điều trị nếu không ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay chức năng sinh sản của nam giới. Tuy nhiên, nếu gây đau, teo tinh hoàn hoặc hiếm muộn - vô sinh thì cần tiến hành chữa trị theo hướng dẫn của bác sĩ.Thay đổi lối sống: Các thói quen sinh hoạt giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực lên hệ thống mạch máu cần được chú trọng ngay khi có chẩn đoán: tránh ngồi lâu đứng lâu, tránh làm việc nặng trong thời gian dài, sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý, vận động thân thể nhẹ nhàng, thường xuyên,...

Một số liệu pháp điều trị, người bệnh có thể tham khảo bao gồm:

Sử dụng thuốc uống điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh

  • Các nhóm thuốc giúp cải thiện độ đàn hồi và độ bền thành mạch.
  • Thuốc uống giảm đau thông thường.
  • Thuốc uống cải thiện số lượng và chất lượng tinh trùng (nếu cần).
  • Thuốc uống hỗ trợ nội tiết hoocmon nam (testosterone) (nếu cần).
  • Thuốc uống bổ sung các loại khoáng chất như kẽm, nhóm chất chống oxy hóa như vitamin E, A, C, carnitine,…

Can thiệp ngoại khoa điều trị

Vi phẫu thuật cột thắt tĩnh mạch tinh là một trong những phương pháp điều trị chủ yếu. Đối với phương pháp này, bác sĩ sẽ chỉ định cho các trường hợp, đau tức hai tinh hoàn kéo dài, kém đáp ứng điều trị nội khoa. Hoặc trong trường hợp giãn tĩnh mạch tinh ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người bệnh. Nếu bệnh nhân không có bất kỳ triệu chứng hay bất kỳ biến chứng nghiêm trọng nào của bệnh thì phẫu thuật không phải là phương pháp điều trị tiên quyết.

Một số phương pháp điều trị chuyên sâu

Bệnh có thể điều trị bằng phương pháp can thiệp nội mạch, điều trị từ ngay bên trong mạch máu. Tuy nhiên, đây là phương pháp có kỹ thuật cao, yêu cầu bác sĩ có kinh nghiệm can thiệp nội mạch tốt. Ngoài ra, trang thiết bị của phương pháp này không thông dụng. Đặc biệt chưa chứng minh được hiệu quả vượt trội hơn các phương pháp điều trị hiện có.

Kết luận

Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường không có triệu chứng hoặc không gây ra bất kì vấn đề nào. Do đó, chuyên gia nam khoa khuyến cáo nam giới nên chú ý thực hiện kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện bệnh lý sớm. Xét nghiệm tinh dịch đồ 2-3 lần/năm là biện pháp giúp cung cấp nhiều thông tin. Chất lượng của tinh trùng có thể giảm theo thời gian và các vấn đề liên quan đến khả năng sinh sản cũng có thể xuất hiện.

Xem thêm:




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Đặt
Lịch
Hẹn
Giãn Tĩnh Mạch Thừng Tinh: Nguyên Nhân, Triệu Chứng & Điều Trị