Để sở hữu một thân hình "cơ bắp cuồn cuộn" thì các gymer - người tập thể hình phải trải qua quá trình tập luyện lâu dài, bền bỉ kết hợp với chế độ ăn uống khoa học để đạt kết quả tối ưu.
Tuy vậy, hiện nay nhiều gymer có xu hướng dùng nội tiết tố ngoại sinh – chủ yếu là testosterone – là một nhóm nội tiết tố thuộc nhóm steroid, người trong giới thể hình gọi chung là "roid", nhằm tăng hiệu quả tập luyện, đốt cháy giai đoạn.
👉 Đặt lịch khám Bác sĩ Trà Anh Duy tại đây!
Nội tiết tố ngoại sinh là gì?
Sử dụng nội tiết tố ngoại sinh - steroid trong thể hình cũng là mục đích ban đầu của việc tập luyện là tăng cơ bắp. Điều này hoàn toàn đúng vì testosterone có chức năng là một nội tiết tố đồng hóa, giúp xây dựng và phát triển cơ thể, tăng cơ.
Tuy nhiên, việc sử dụng nội tiết tố ngoại sinh cũng như con dao hai lưỡi vì không chỉ tác động tăng cơ bắp mà testosterone theo đường máu đi khắp nơi trong cơ thể, tác động vào những nơi có thụ thể mà nội tiết này hướng đến.
Steroid - Các tác động không mong muốn
- Gan: ảnh hưởng đến tế bào gan, gây hư hại chức năng gan về sau, tăng men gan, rối loạn mỡ máu.
- Da: kích thích tuyến bã phát triển mạnh hơn, gây nguy cơ tắc tuyết bã và dễ gây mụn. Đặc biệt, testosterone sau khi đến cơ quan đích là nang lông thì với cơ địa có gen hói có thể bộc lộ kiểu hình hói không hồi phục.
- Xương: nội tiết tăng cao gây xáo trộn các nội tiết khác, trong đó có estrogen – là nội tiết tố gây cốt hóa xương và dễ khiến xương của phái mạnh trở nên yếu hơn.
- Sinh sản: vì tinh hoàn tạo ra 2 sản phẩm là testosterone và tinh trùng, dưới sự điều hòa và chỉ đạo của cơ quan trong não là trục hạ đồi – tuyến yên. Việc sử dụng testosterone ngoại sinh – là sử dụng steroid từ bên ngoài vào – khiến trục nội tiết này trở nên xáo trộn. Theo thời gian dài, trục hạ đồi – tuyến yên – tinh hoàn trở nên ngủ yên và không hoạt động. Cuối cùng, hệ quả là gây vô sinh ở nam giới sử dụng steroid trong thời gian dài. Thậm chí một số thuốc có tác động gây teo tinh hoàn cho gymer sau khi dùng.
- Nội tiết tố nam: testosterone ngoại sinh có thể ảnh hưởng đến chức năng tinh hoàn khiến cho tinh hoàn không sản sinh testosterone về sau. Cuối cùng, nam giới trở nên thiếu năng lượng, giảm ham muốn, giảm cương, thậm chí không cương được.
- Nguy cơ đột quỵ: việc sử dụng testosterone ngoại sinh với liều cao có thể kích thích tủy xương sinh sản nhiều hồng cầu (tế bào máu) và gây nguy cơ tắc mạch, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não.
- Tâm lý: việc sử dụng testosterone ngoại sinh khiến cơ thể của gymer lúc nào cũng có năng lượng tràn trề, tâm lý dễ cáu gắt, nóng giận và bốc đồng hơn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng cá nhân mà còn có thể ảnh hưởng nhiều đến các mối quan hệ xã hội, công việc, học tập. Thậm chí, chu kỳ giấc ngủ của gymer cũng có thể thay đổi theo.
Việc điều trị và phục hồi lại hoạt động chức năng của tinh hoàn, về nội tiết lẫn sinh sản của gymer sau khi dùng testosterone ngoại sinh luôn là vấn đề được đặt ra.
BS Vũ Đức Công – Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men’s Health cho biết
Đến nay, nhiều phác đồ đã được sử dụng nhưng chưa được nghiên cứu đối chiếu, so sánh một cách kỹ lưỡng về mặt khoa học vì vậy sự hiệu quả và an toàn trên các đối tượng này đến nay vẫn còn bỏ ngõ.
Việc sử dụng steroid trong thi đấu và tập luyện nên được cân nhắc và được theo dõi kĩ về mặt chuyên môn.
Trước tiên, nên hiểu việc sử dụng nội tiết này cũng là một gánh nặng với các cơ quan trong cơ thể.
Kiểm tra chức năng gan, hệ nội tiết, công thức máu và chức năng sinh sản trước, trong và sau khi sử dụng testosterone ngoại sinh gần như là một điều bắt buộc.
Ngoài ra, với trường hợp gymer theo đuổi con đường thể hình chuyên nghiệp thì nên có sự hướng dẫn và theo dõi sát sao dưới góc nhìn chuyên môn của bác sĩ có kiến thức và kinh nghiệm về lĩnh vực này nhằm đảm bảo sức khỏe, sự nghiệp và vẫn giữ được phong độ của phái mạnh.