Liệu pháp hormone ở người chuyển giới là gì?
Liệu pháp hormone ở người chuyển giới là một can thiệp y khoa nhằm tạo ra những thay đổi trên cơ thể người dùng theo hướng giới tính mong muốn, bằng cách sử dụng các chất nội tiết tố có nguồn gốc ngoại sinh.
Khi nào sử dụng liệu pháp Hormone cho người mong muốn chuyển giới?
Tiêu chuẩn điều trị của Liệu pháp hormone chuyển giới bao gồm:
- Chứng phiền muộn giới kéo dài, được theo dõi bằng bệnh án.
- Bệnh nhân có năng lực để nhận thức đầy đủ thông tin liên quan đến điều trị, năng lực ra quyết định và thực hiện cam kết với điều trị.
- Đủ tuổi trưởng thành theo quy định của quốc gia; nếu trẻ hơn, bệnh nhân cần có người bảo hộ cam kết.
- Các vấn đề về sức khỏe hay tâm lý phải được kiểm soát tốt (nếu có).
Liệu pháp hormone có thể dẫn đến những thay đổi trên cơ thể mà không thể đảo ngược, do vậy liệu pháp này chỉ được cung cấp cho những người có năng lực quyết định tham gia điều trị tự nguyện một cách hợp pháp.
Tác động sinh lý và cơ thể của Liệu pháp hormone trên người chuyển giới nam (FTM)
Người chuyển giới nam (FTM) sẽ được thực hiện liệu pháp hormone với hormone sinh dục nam – Testosterone. Những thay đổi có thể mang lại: Giọng trầm đi, âm vật tăng kích thước (nhiều mức độ), phát triển lông ở mặt và cơ thể, chấm dứt chu kỳ kinh nguyệt, teo mô vú, giảm tỷ lệ mỡ cơ thể so với khối lượng cơ bắp.
Bên cạnh các thay đổi theo hướng nam hóa, người dùng liệu pháp hormone cũng phải đối mặt với những vấn đề đi kèm khác như: nổi mụn, hói đầu, tăng cân, thay đổi tính tình (nóng nảy, dễ cáu gắt), các nguy cơ tim mạch, bệnh lý đa hồng cầu,…
Hầu hết các thay đổi trên cơ thể sẽ bắt đầu sau khoảng 1 – 3 tháng kể từ khi bắt đầu liệu trình, rõ rệt nhất vào tháng thứ 3 đến tháng thứ 6, tiếp tục hoàn thiện dần trong 2 đến 5 năm kế tiếp.
Mức độ và tốc độ thay đổi của cơ thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố: liều lượng sử dụng, đường dùng, loại hormone, và khả năng đáp ứng của cơ thể mỗi cá nhân.
Liệu trình hormone ở người chuyển giới nam như thế nào?
Có rất nhiều đường dùng của hormone Testosterone: Dạng uống, dạng thấm qua da hay đường tiêm bắp; dạng ngậm và que cấy đang được phát triển và có mặt ở một số nơi.
- Thuốc chứa Testosterone undecanoate dạng uống cho hiệu quả nồng độ Testosterone trong huyết thanh thấp hơn các chế phẩm sử dụng đường dùng khác, mặt khác hiệu quả ức chế chu kỳ hành kinh cũng không cao.
- Testosterone cypionate hay Testosterone enanthate dạng tiêm bắp, thường được dùng bằng đường tiêm bắp theo chu kỳ 2-4 tuần.
- Dạng Testosterone undecanoate dùng bằng đường tiêm bắp cho kết quả kiểm soát tốt nồng độ Testosterone ổn định và nhịp nhàng theo sinh lý, có thể kéo dài đến 12 tuần và có hiệu quả điều trị trên cả bệnh nhân mắc chứng thiểu năng sinh dục nam giới và bệnh nhân cần điều trị chuyển giới nữ sang nam.
Có bằng chứng cho thấy dạng Testosterone thoa ngoài da và tiêm bắp có cùng hiệu quả nam hoá, mặc dù tốc độ biểu hiện cơ thể khi sử dụng dạng thoa ngoài da có thể chậm hơn đôi chút so với dạng tiêm bắp.
Những nguy cơ người chuyển giới nam có thể đối mặt khi không tiêm thuốc đúng ngày?
Một số bệnh nhân sử dụng loại Testosterone đường tiêm bắp có thể nhận thấy các tác dụng phụ thay đổi theo chu kỳ, ví dụ như mệt mỏi hay khó chịu vào cuối chu kỳ tiêm, cảm thấy dễ nổi giận hay khó kiểm soát cảm xúc vào đầu chu kỳ tiêm thuốc.
Nếu như bệnh nhân đến tiêm trễ hơn so với chu kì, người dùng có thể thấy mệt mỏi, khó chịu, cơ thể uể oải, giảm ham muốn do nồng độ Testosterone suy giảm, có thể có gặp tình trạng rong kinh rong huyết,…
Theo BS. Nguyễn Phương Hoàng - Trung tâm Sức khỏe Nam Giới Men's Health cho biết:
Bệnh nhân không nên đến tiêm quá sớm so với chu kì, khi mà nồng độ Testosterone bên trong cơ thể còn cao, điều này có thể làm tăng nguy cơ đa hồng cầu, nguy cơ tim mạch cho bệnh nhân mà không có giá trị làm thay đổi hay đẩy nhanh quá trình thay đổi của cơ thể. Mặt khác, bệnh nhân đến tiêm không đúng theo chu kì sẽ gây khó khăn cho Bác sĩ trong việc theo dõi sức khỏe và phải xây dựng lại liệu trình tiêm mới cho phù hợp.
Việc sử dụng Liệu pháp hormone cho người chuyển giới, bên cạnh mang lại những thay đổi mong muốn cho người dùng, hiện thực hóa ước mơ “sống là chính mình”, thì người chuyển giới cũng phải đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe.
Vì thế, người chuyển giới tham gia sử dụng Liệu pháp hormone cần có sự theo dõi sát sao của bác sĩ, các chuyên gia trong lĩnh vực giới tính và các nhà tâm lý học. Người dùng liệu pháp hormone ở người chuyển giới cần phải được Xét nghiệm nội tiết chuyển giới về chức năng gan, chức năng thận, đường huyết, mỡ máu, công thức máu, nội tiết tố,… trước và trong khi sử dụng liệu pháp hormone định kì mỗi 3 – 6 tháng.
Từ đó, bác sĩ có thể nắm rõ tình trạng sức khỏe của bệnh nhân để có thể thay đổi liệu trình tiêm và có những can thiệp kịp thời nhằm đảm bảo sức khỏe của người chuyển giới.