Bệnh Lậu Có Nguy Hiểm Không? Nguyên Nhân, Biểu Hiện Và Điều Trị

3681 Views

Bệnh lậu được xem là một trong những bệnh lây qua đường tình dục phổ biến nhất hiện nay vì tốc độ lây lan nhanh chóng cũng như những hệ quả mà nó để lại cho người bệnh và cả những người xung quanh. Phát hiện sớm, chữa trị sớm giúp giảm được những nguy cơ biến chứng và tránh việc lây truyền cho người khác.

Nguyên nhân bệnh lậu là gì?

Bệnh lậu gây ra bởi song cầu khuẩn có tên Neisseria gonorrhea. Chúng dễ dàng sinh sôi trong những nơi nóng ẩm như đường niệu đạo, cổ tử cung, vòi trứng, buồng trứng.

Lậu lây từ người sang người, thông qua tiếp xúc với bộ phận sinh dục, hậu môn, miệng của người mang song cầu lậu; từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở; do sử dụng chung quần áo, khăn tắm hay bồn tắm, thậm chí bồn cầu nhưng ít gặp hơn.

Trong đó quan hệ tình dục là con đường phổ biến nhất, nên bệnh cũng thường gặp phải ở lứa tuổi 15 – 24 nhiều hơn. Nếu một nam quan hệ với người nữ mắc bệnh sẽ có 20% nguy cơ, còn nữ quan hệ với người nam mắc bệnh có đến 60 – 80% nguy cơ. Vì vậy, phụ nữ cần biết bảo vệ mình và phái mạnh cũng cần biết giữ gìn cho người bạn đời.

Biểu hiện bệnh lậu khác nhau ở nam và nữ

Ở nữ giới, đường niệu đạo ngắn hơn 5 lần so với phái mạnh, chỉ khoảng 3cm. Đây cũng là nơi có nhiều tuyến xung quanh như môi lớn, môi bé, tuyến Bartholine và tuyến Skène đều là địa điểm trú ngụ lý tưởng cho lậu cầu khuẩn. Chúng tấn công niêm mạc phía trong niệu đạo và gây viêm tại chỗ, kéo theo bạch cầu đến đây để tiêu diệt vi khuẩn.

Tế bào bạch cầu sau khi làm nhiệm vụ sẽ chết đi tạo thành mủ có màu trắng ngả vàng, trôi ra ngoài cùng với nước tiểu. Những vi khuẩn này không ngừng sinh sôi và lan rộng, đi tới đâu gây viêm tới đó, vào sâu trong đường sinh dục. Thời gian ủ bệnh khoảng 3 – 5 ngày, một số ít trường hợp tới 2 – 3 tuần. Nhìn chung ủ bệnh càng ngắn thì bệnh càng nặng.

Mủ do lậu trong tử cung phụ nữ

Ở giai đoạn cấp tính, biểu hiện lậu ở nam và nữ khác nhau.

Nam giới:  có triệu chứng tương tự viêm niệu đạo cấp, đó là đi tiểu buốt, cảm giác đau và nóng rát dọc theo đường niệu đạo, nước tiểu đục do lẫn mủ; lỗ niệu đạo chảy mủ vàng; sốt mệt toàn thân; đôi khi có sưng đau tinh hoàn.

Lậu cấp tính ở nam giới không được trị dứt điểm sẽ tiến triển thành mạn tính, rất khó điều trị. Phái mạnh thường gặp hiện tượng tiểu buốt, tiểu dắt chứ ít khi đi tiểu ra mủ. Buổi sáng sớm khi ngủ dậy thấy mủ chảy ra ở niệu đạo, nhầy đục như nhựa chuối. 

Nữ giới: chảy mủ trắng hơi vàng và sưng đỏ ở lỗ niệu đạo, thường xuyên mắc tiểu, tiểu buốt; ngứa âm đạo, sưng đỏ cổ tử cung. Vì cấu trúc đặc thù nên lậu dễ dàng tấn công và gây viêm nội mạc tử cung, ống dẫn trứng, phần phụ. Do vậy mà tỷ lệ biến chứng của lậu ở nữ giới rất cao.

Đáng nói là các biểu hiện này chỉ rõ ràng ở 20% phụ nữ trong giai đoạn đầu, 80% còn lại không có bất kỳ dấu hiệu khác thường nào hoặc triệu chứng mờ nhạt nên bỏ qua, và để bệnh âm thầm phát triển thành mạn tính. Nơi nào có mủ mang lậu cầu khuẩn chảy qua đều gây viêm ở đó, bao gồm cả hậu môn.

Triệu chứng thông thường của lậu mạn tính cũng không có gì đặc biệt, thường là ra huyết trắng ở vùng kín hay có dấu hiệu biến chứng. Như là viêm tuyến Bartholin, tuyến Skène, viêm vùng chậu, viêm cổ tử cung và nội mạc tử cung, viêm ống dẫn trứng kéo theo thai ngoài tử cung hoặc tắc vòi trứng gây vô sinh, viêm trực tràng, bàng quang.

Bệnh lậu mạn tính có khả năng lây lan trong vài năm trời gây nguy hại rất lớn cho cộng đồng, nhất là gái mại dâm.

Hoạt động mại dâm góp phần làm bệnh lậu lây lan nhanh chóng

Lậu có nguy hiểm không?

Lậu nguy hiểm, để lại nhiều biến chứng nặng nề và vĩnh viễn cho bệnh nhân.

Đối với phụ nữ

Đây là một trong những thủ phạm chính gây viêm tiểu khung, có nguy cơ tạo túi mủ trong ổ bụng, khiến cho vùng tiểu khung đau kéo dài. Đó là chưa kể nguy cơ xơ hóa hẹp vòi trứng, giảm khả năng sinh sản và tăng tỷ lệ có thai ngoài tử cung rất nguy hiểm.

Bên cạnh đó, lậu còn gây viêm cổ tử cung, nội mạc tử cung, vòi và buồng trứng, có thể dẫn đến vô sinh.

Phụ nữ mang thai cần đặc biệt lưu ý nếu như nhiễm cầu lậu. Lậu gây sảy thai, chuyển dạ sớm hoặc nhiễm trùng nước ối. Khi sinh nở, cầu khuẩn lậu có thể lây cho em bé và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều bộ phận: viêm màng não, nhiễm trùng máu, mù mắt nếu không được chữa trị.

Đối với nam giới

Viêm tuyến tiền liệt là biến chứng đầu tiên phải kể đến. Cùng với đó là:

  • Chít hẹp niệu đạo: do các lậu cầu khuẩn gây viêm niêm mạc bên trong niệu đạo và để lại sẹo, khiến niệu đạo bị hẹp lại. Nam giới gặp khó khăn trong việc đi tiểu và phóng tinh sau này. Một số người còn gặp phải tình trạng hẹp hay thậm chí tắc nghẽn ống dẫn tinh, gây vô sinh.
  • Viêm lan tỏa các cơ quan vùng chậu-tầng sinh môn: bất kể nơi nào có vi khuẩn lậu đều sẽ gây viêm, đó là tinh hoàn, quy đầu, bao quy đầu, hậu môn.
  • Vô sinh: tất cả các tình trạng viêm ở đường sinh dục do lậu cầu khuẩn đều có thể gây vô sinh cho nam giới, nhất là tinh hoàn và ống dẫn tinh trùng.

Ngoài ra, lậu còn làm tăng cơ hội nhiễm trùng toàn thân và cả HIV.

Điều trị bệnh lậu sao cho hiệu quả?

Nên nhớ rằng lậu sẽ phân chia sau mỗi 15 phút, vì vậy tốc độ phát triển và lây lan của nó nhanh đến chóng mặt. Việc điều trị là cấp bách, cần làm càng sớm càng tốt với đúng phác đồ. Bên cạnh đó nên chữa lậu cho cả bạn tình.

Lậu được trị khỏi bằng kháng sinh đặc hiệu

Điều trị lậu cơ bản là dùng kháng sinh theo đúng phác đồ điều trị. Phác đồ cơ bản là sử dụng Ceftriaxone 250mg liều duy nhất tiêm bắp kết hợp với Azithromycin 1g liều duy nhất trong trường hợp lậu cầu không biến chứng tại cổ tử cung, niệu đạo và trực tràng vì nguy cơ có lây nhiễm kèm theo Chlamydia.

Với lậu niệu-sinh dục, hậu môn-trực tràng, hầu họng thì có thể kết hợp Ceftriaxone 500mg với Doxycycline 100mg uống nếu không loại trừ được nhiễm Chlamydia kèm theo. Việc điều trị kháng sinh nên được kê toa của bác sĩ nhằm tối ưu điều trị và giảm nguy cơ kháng thuốc trên bệnh nhân.

Khi dùng đúng thuốc, đủ thời gian, sau 1 – 2 ngày triệu chứng sẽ giảm nhanh, riêng tiểu ra mủ cần 2 – 3 ngày mới thuyên giảm, nhìn chung khỏi sau 5 – 7 ngày.

Sau khi hết liệu trình, các bác sĩ sẽ cấy lại dịch niệu đạo 2 lần liên tiếp để kiểm tra vi khuẩn. Người bệnh chỉ được kết luận khỏi khi kết quả cấy hai lần đều âm tính hoặc không còn ra dịch ở niệu đạo nữa.

Thuốc điều trị bệnh lậu rất đơn giản, nhưng tỷ lệ khỏi dứt điểm trước đây cao hơn.

Lời kết

Ngày nay, việc kháng kháng sinh ngày một phổ biến, khiến cho các bác sĩ rất vất vả để chữa trị và bệnh thường xuyên tái phát. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định và nhất định phải tái khám để kiểm tra kết quả điều trị.

Bị bệnh lậu là điều không ai mong muốn và sẽ khiến người mắc phải xấu hổ, e ngại. Nhưng điều trị chậm phút nào thì bệnh sẽ nặng và có nguy cơ lây lan nhiều hơn. Vậy nên phải ưu tiên việc thăm khám càng sớm càng tốt. Sau khi khỏi, người bệnh cần phải duy trì lối sống lành mạnh, quan hệ một vợ một chồng và sử dụng bao cao su để giảm bớt nguy cơ mắc phải.




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Đặt
Lịch
Hẹn
Bệnh Lậu Có Nguy Hiểm Không? Nguyên Nhân, Biểu Hiện Và Điều Trị