Phì đại tiền liệt tuyến có nguy hiểm không? Điều trị bằng cách nào?

1130 Views

Phì đại tuyến tiền liệt là vấn đề sức khỏe khá thường gặp ở nam giới tuổi trung niên. Các triệu chứng của phì đại tiền liệt tuyến thường không rõ ràng trong giai đoạn đầu nên người bệnh gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện sớm.

Tuyến tiền liệt là gì?

Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ, nằm trong bộ phận sinh dục của nam giới. Khi mới sinh, tuyến tiền liệt chỉ nhỏ bằng hạt đậu nhưng sẽ đạt tới kích cỡ ổn định khi trưởng thành. Ở người trưởng thành, tuyến tiền liệt có đường kính khoảng 2cm, trọng lượng 10 - 20g, có nhiệm vụ tiết chất nhầy làm trung hòa môi trường axit của tinh dịch và giúp vận chuyển tinh dịch.

Phì đại tuyến tiền liệt là tình trạng tuyến tiền liệt bị gia tăng kích thước bất thường, gây khó chịu cho bệnh nhân ở khu vực quanh bàng quang, đường tiểu. Khi bị phì đại, trọng lượng của tuyến tiền liệt có thể tăng gấp 5 lần, tới 100g. Đây là bệnh lý thường gặp ở nam giới lớn tuổi, có thể gây ảnh hưởng nhiều tới tâm lý và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Nguyên nhân phì đại tuyến tiền liệt

Nguyên nhân gây bệnh chưa thực sự rõ ràng. Theo một số nghiên cứu chỉ ra rằng do về già chức năng sinh dục yếu dần đi mất cân bằng hormone sinh dục: giảm testosterol và tăng estrogen gây phì đại tiền liệt tuyến.

Phì đại tiền liệt tuyến có nguy hiểm không?

Tình trạng phì đại tuyến tiền liệt gây khó tiểu, tiểu không hết, lâu ngày dẫn tới bàng quang phình to hoặc tích tụ vi khuẩn trong bàng quang gây nhiễm khuẩn. Nếu không kịp thời điều trị, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:

  • Bí tiểu, tiểu ra máu: Người bệnh có cảm giác không thể đi tiểu được, đau dữ dội ở vùng bụng dưới, trường hợp nặng có thể bị tiểu ra máu trong lúc cố gắng đi tiểu;
  • Nhiễm khuẩn niệu đạo: Nước tiểu không thoát ra được gây nhiễm khuẩn, dẫn tới các biểu hiện như nước tiểu đục hoặc tiểu buốt;
  • Sỏi bàng quang: Tình trạng nhiễm khuẩn nặng, nước tiểu bị ứ đọng trong cơ thể đã tạo thành sỏi, gây tắc nghẽn đường tiểu. Ngoài ra, sỏi chứa nhiều vi khuẩn nên nếu để lâu ngày có thể gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng hơn;
  • Suy thận: Nước tiểu không thoát ra được làm tăng áp lực nước tiểu, gây ứ nước, viêm thận, giãn bể thận, lâu ngày có thể dẫn tới viêm cầu thận hoặc suy thận mãn tính.

Cách điều trị phì đại tuyến tiền liệt

Điều trị nội khoa

  • Sử dụng thuốc ức chế Alpha 1: Gồm các thuốc Alfuzosin, Doxazosin, Terazosin, Prazosin,... chúng có tác dụng làm giãn cơ thành mạch, tuyến tiền liệt và bàng quang, từ đó làm giảm tình trạng tắc nghẽn niệu đạo và giúp bệnh nhân dễ dàng đi tiểu. Tuy nhiên, các thuốc này có tác dụng phụ là làm giảm huyết áp;
  • Thuốc kháng androgen gây ức chế 5-alpha reductase: Gồm các loại thuốc Dutasteride và Finasteride. Chúng có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh khá tốt nhưng đi kèm các tác dụng phụ là làm giảm ham muốn tình dục và gây ra các vấn đề về rối loạn cương dương.

Lưu ý, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ về những loại thuốc mình đang sử dụng. Nếu phát hiện có loại thuốc ảnh hưởng tới tình trạng rối loạn tiểu tiện thì bác sĩ sẽ có những điều chỉnh phù hợp như thay đổi liều dùng, thời gian dùng thuốc hoặc đổi phương thuốc khác,...

Điều trị ngoại khoa

Khi bệnh phì đại tiền liệt tuyến trở nặng, việc điều trị bằng thuốc không có nhiều hiệu quả thì bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân thực hiện phẫu thuật. Người bệnh được chỉ định phẫu thuật khi: Nhiễm khuẩn niệu tái phát, có sỏi bàng quang hoặc túi thừa bàng quang, tái phát tiểu ra máu, bí tiểu hoàn toàn sau khi rút ống thông niệu đạo, suy thận, mất ngủ nặng - gây nhiều ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày. Phương pháp phẫu thuật phổ biến hiện nay là mổ nội soi qua đường niệu đạo.

Phương pháp khác

  • Phì đại tuyến tiền liệt cũng có thể được điều trị bằng các bài thuốc bào chế từ dược phẩm thiên nhiên. Các bài thuốc nam hoàn toàn lành tính, an toàn, hiệu quả và không có tác dụng phụ nhưng thời gian điều trị thường kéo dài;
  • Người bệnh nên chú ý cải thiện thói quen sinh hoạt để đẩy lùi bệnh tật, nâng cao sức đề kháng và có một cơ thể khỏe mạnh hơn. Một số lưu ý quan trọng gồm:
    • Ăn thực phẩm lành mạnh: Bệnh nhân nên tăng cường bổ sung vào chế độ ăn các loại rau có màu xanh đậm như rau chân vịt, cải xoăn, bông cải xanh, rau bina,... và cà chua, quả mọng, hạnh nhân, rong biển, hạt óc chó,... Chúng có hàm lượng chất chống oxy hóa cao, bảo vệ tuyến tiền liệt trước tác hại của các gốc tự do;
    • Thường xuyên vận động: Các bài tập thể dục thể thao, tăng cường cơ bắp sẽ giúp thúc đẩy cơ thể sản sinh nhiều testosterone hơn, chống lại bệnh tật ở tuyến tiền liệt tốt hơn;
    • Điều cần tránh: Người bệnh nên tránh uống nhiều nước vào khoảng 3 tiếng trước khi đi ngủ, không uống các đồ uống chứa chất gây lợi tiểu như cà phê, trà, rượu,... Các thức uống này có thể tác động lên cơ bàng quang, kích thích thận làm việc, gây tiểu tiện nhiều lần trong đêm;
    • Giữ tinh thần thoải mái: Người bệnh cần chú ý tránh xa tình trạng căng thẳng thần kinh để chống lại bệnh tật

Phì đại tuyến tiền liệt là căn bệnh phổ biến ở nam giới lớn tuổi. Bệnh không khó để điều trị nhưng cần được phát hiện sớm ngay khi có các biểu hiện khác thường về tiểu tiện để được chẩn đoán, điều trị sớm. Đồng thời, mỗi người cần chú ý tới việc thay đổi lối sống để nâng cao sức khỏe tổng quát và ngăn ngừa bệnh tật.




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Đặt
Lịch
Hẹn
Phì đại tiền liệt tuyến có nguy hiểm không? Điều trị bằng cách nào? - Phòng Khám Nam Khoa Men's Health