Y học ngày càng phát triển với nhiều biện pháp tránh thai ra đời nhằm giúp cho các cặp đôi thoải mái quan hệ mà không lo có em bé khi chưa thực sự sẵn sàng.
Trong đó thuốc được coi là biện pháp “né bầu” truyền thống nhưng vẫn được cả hai phái ưa chuộng vì nó đơn giản, tự thực hiện được tại nhà và chỉ cần ngưng là có thể lại sinh đẻ bình thường. Thế nhưng đây chưa phải là phương pháp thực sự an toàn, vì thuốc tránh thai có thể mang đến những rủi ro, những tác dụng phụ.
Bài viết dưới đây sẽ điểm danh đầy đủ tác dụng phụ của thuốc tránh thai cho nam và nữ.
Đúng, nam giới cũng có thuốc tránh thai!
Trước nay các phương pháp tránh thai dành cho nam chủ yếu là thắt ống dẫn tinh để triệt sản vĩnh viễn. Vì vậy thuốc ngừa thai mở ra hi vọng mới trong việc này và chỉ còn 1 giai đoạn thử nghiệm nữa là có thể đưa vào lưu hành.
Dù chưa được đưa vào thực tế nhưng hứa hẹn sẽ không còn lâu nữa. Điều này giảm bớt gánh nặng tránh thai cho phái nữ, nhất là các cặp đôi mà phụ nữ không thể dùng các biện pháp ngừa thai sẵn có vì lý do y tế.
Viên uống dạng hormone
Thuốc ngừa thai dành cho nam này là một phiên bản tổng hợp của testosterone, được uống 1 viên mỗi ngày nhằm ngăn chặn 2 loại nội tiết tố nam là FSH và LH để đồng thời giảm sản xuất testosterone và tinh trùng nhưng vẫn giữ cho nồng độ testosterone trong máu bình thường. Do đó mà không gây ra triệu chứng thiếu hụt hormone này.
Những người tham gia thử nghiệm có gặp phải một số tác dụng phụ nhẹ như nổi mụn, nhức đầu, rối loạn cương dương thể nhẹ, giảm ham muốn tình dục, mệt mỏi và có tăng cân.
Bên cạnh đó, các ảnh hưởng dài lâu của thuốc đối với cơ thể cần được thử nghiệm lâu hơn, để xem thuốc có làm ngừng sản xuất tinh trùng hoàn toàn hay không, có thể gây hại cho gan, thận hay trầm cảm không…
Tin rằng khi được đưa vào điều trị, thuốc tránh thai dành cho nam đã được kiểm soát tốt những rủi ro này.
Thuốc tránh thai không nội tiết tố
Biện pháp này gọi là RISUG và IVD, thực chất là tiêm một chất hoá học vào ống dẫn tinh. Chất này phản ứng và làm tắc ống dẫn tinh, đồng thời giết chết tinh trùng khi tiếp xúc. Thuốc có tác dụng tức thì ngay sau khi tiêm.
Đến thời điểm nam giới lại muốn có con, họ sẽ được tiêm một mũi khác để rửa sạch chất hoá học kể trên.
Về tác dụng phụ của phương pháp này vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Thuốc tránh thai dành cho nữ
Đây là biện pháp ngừa thai bằng nội tiết tố với tác dụng phụ khá thường gặp. Thế nhưng ở mỗi người, với mỗi loại thuốc khác nhau lại có biểu hiện lại khác nhau.
Tác dụng phụ của thuốc tránh thai khẩn cấp
Thuốc dùng cho phụ nữ lỡ quan hệ mà không có biện pháp tránh thai nào từ trước hoặc chúng không thành công. Những thuốc này mua rất dễ dàng ở các nhà thuốc và thường sử dụng cho các bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm.
Tác dụng phụ của thuốc thường chỉ kéo dài vài ngày, như buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, đau đầu, căng tức ngực, chảy máu giữa chu kỳ hoặc máu kinh nguyệt nặng hơn, đau bụng dưới, chuột rút. Tránh thai khẩn cấp còn làm tăng nguy cơ có thai ngoài tử cung rất nguy hiểm.
Phản ứng phụ của thuốc tránh thai hằng ngày
Hầu hết phụ nữ sử dụng loại này đều an toàn, nhưng cũng có một số ít gặp phải tác dụng phụ và chúng thường mất đi sau 2 – 3 tháng, hiếm lắm mới kéo dài. Gồm có:
Rối loạn kinh nguyệt: là có máu kinh chảy lắt nhắt ngay giữa chu kỳ, giống chảy máu nhẹ hoặc có tiết chút dịch màu nâu. Tình trạng này gặp thường xuyên hơn ở người mới sử dụng thuốc, vì cơ thể đang điều chỉnh để thay đổi mức độ hormone và tử cung cũng đang điều chỉnh để có lớp niêm mạc mỏng hơn. Để giảm bớt, chị em nên uống thuốc vào cùng một giờ giữa các ngày.
Buồn nôn: một số người cảm thấy buồn nôn nhẹ khi uống thuốc lần đầu, và thường giảm dần. Trong trường hợp này, phái đẹp có thể uống thuốc cùng với bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ. Nếu cảm giác buồn nôn kéo dài trong vài tháng thì nên đi khám bác sĩ sản khoa.
Căng tức ngực: liều thuốc tránh thai có thể làm tăng độ nhạy cảm của vú, hormone làm vú to hơn và căng đau. Việc mặc áo ngực có gọng nâng và rộng hơn, vải mềm có thể giúp ích cho chị em. Nếu đau nghiêm trọng hay sờ có khối u trong vú thì cần đi khám.
Đau đầu và đau nửa đầu: hormone tránh thai có thể gây ra hoặc làm tình trạng đau đầu, đau nửa đầu diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Mức độ tác dụng phụ này tuỳ thuộc vào liều lượng và loại thuốc tránh thai mà chị em dùng. Ví dụ thuốc liều thấp thì đau đầu cũng ít hơn. Mặt khác, nếu triệu chứng này xảy ra vào thời kỳ tiền mãn kinh thì thuốc tránh thai lại giúp giảm cơn đau.
Tăng cân: đây vẫn được liệt kê là một trong những tác dụng phụ của thuốc tránh thai, dù cho chưa có nghiên cứu nào xác minh chính xác. Vì theo lý thuyết, các thuốc dạng hormone này có thể làm tăng giữ nước, tăng lượng chất béo hoặc khối lượng cơ. Nhưng bên cạnh đó vẫn có một số người báo cáo bị giảm cân khi uống thuốc.
Thay đổi tâm trạng: nội tiết tố đóng vai trò quan trọng trong tâm trạng và cảm xúc của một người. Vì vậy những thay đổi mức độ hormone do thuốc tránh thai rất có thể sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng của chị em. Bác sĩ có thể đổi sang kê đơn loại thuốc để tránh tình trạng này nếu như nó nghiêm trọng.
Trễ kinh hoặc kinh nguyệt ít: đều là do hormone. Nhưng trễ kinh cũng còn do nhiều nguyên nhân khác không liên quan đến thuốc, vậy nên nếu vẫn dùng thuốc an toàn mà gặp tình trạng này kéo dài thì nên đi kiểm tra tổng quát.
Giảm ham muốn tình dục: thuốc có thể ảnh hưởng đến ham muốn tình dục do thay đổi nội tiết tố, nhưng cũng có thể làm tăng cảm giác khi “yêu” vì tâm trạng đã hoàn toàn yên tâm, phụ nữ sẽ thoải mái quan hệ mà không lo có thai.
Thay đổi tiết dịch âm đạo: có thể là tăng hoặc giảm dịch bôi trơn âm đạo hay thay đổi tính chất của dịch. Nếu đơn thuần chỉ là khô âm đạo thì nên dùng chất bôi trơn hỗ trợ, nhưng nếu dịch âm đạo thay đổi về màu sắc hoặc mùi thì rất có thể bị nhiễm trùng.
Thay đổi về mắt: một số nghiên cứu cho thấy viên tránh thai hằng ngày và sự dày lên của giác mạc có liên quan đến nhau, nhưng không thể khẳng định được nguy cơ bệnh về mắt có tăng lên hay không và có ảnh hưởng đến thị giác không.
Thuốc tránh thai đường tiêm
Bên cạnh đó, còn có một số tác dụng phụ khác của thuốc tránh thai cho phụ nữ như làm tăng nguy cơ ung thư; đông máu và cao huyết áp, điều này có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, tổn thương phổi và đột quỵ. Các tình trạng này đều nghiêm trọng nhưng cũng may mắn là rất hiếm gặp.
Thay vì uống hằng ngày thì thuốc tránh thai dạng này được cấy trực tiếp vào trong máu 3 tháng một lần. Các tác dụng phụ của chúng tương tự như loại trên, tuy nhiên còn có thể dẫn đến loãng xương, gãy xương do tiêu xương nếu sử dụng lâu dài.
Que tránh thai
Cũng là dạng hormone được đưa vào một que nhỏ, được đưa vào bắp tay và giải phóng thuốc từ từ vào máu trong 3 năm. Biện pháp này cho kết quả tránh thai khá cao, dưới 1% người cấy có thai ngoài ý muốn. Tác dụng phụ của nó tương tự như hai loại kể trên.
Kết luận
Nhìn chung thuốc tránh thai dành cho nữ đều an toàn khi sử dụng hằng ngày, nhưng không thể loại trừ những nguy cơ.
Vì vậy, đừng chủ quan trước bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ là do tác dụng phụ của thuốc tránh thai và trao đổi với thầy thuốc để tìm ra phương án phù hợp hơn.