Tràn Dịch Màng Tinh Hoàn: Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị

3137 Views

Tràn dịch màng tinh hoàn có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh và người lớn, nhưng nguyên nhân lại hoàn toàn khác nhau. Tuỳ theo từng độ tuổi, từng nguyên nhân và mức độ nặng nhẹ của bệnh mà phương án điều trị cũng thay đổi.

Tràn dịch màng tinh hoàn là gì? Do đâu?

Tràn dịch màng tinh hoàn, hay tràn dịch tinh mạc, là tình trạng có dịch ứ đọng xung quanh tinh hoàn, phía trong bìu.

Ở trẻ sơ sinh, nó còn có tên gọi là Thủy tinh mạc. Khi vừa sinh ra, bìu của bé trai đã phồng to bất thường, nhìn thấy được bằng mắt. Đây là kết quả của việc ống phúc tinh mạc vẫn còn tồn tại và chứa dịch bên trong.

Cụ thể, trong thai kỳ, tinh hoàn nằm ở ổ bụng, từ từ mới di chuyển vào bìu kéo theo một lớp phúc mạc xung quanh, tạo thành ống nối giữa ổ bụng và bìu - ống phúc tinh mạc. Dần dần, ống này bị kéo tịt lại, mỏng thành một sợi xơ. Nếu ống phúc tinh mạc còn chưa kín, hở nhỏ thì dẫn nước vào bìu gây tràn dịch màng tinh hoàn, hở lớn thì ruột hay các bộ phận trong ổ bụng có thể lọt xuống gây tình trạng thoát vị bẹn.

Một ca tràn dịch tinh mạc ở trẻ em

Ở nam giới trưởng thành, tràn dịch màng tinh hoàn xảy ra do tinh hoàn bị tổn thương, có thể do chấn thương hoặc viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn; dẫn tới dịch, máu và mủ ứ đọng thành từng cục, khiến tinh hoàn sưng to.

Số khác là vì có khối u bên trong bìu, ung thư tinh hoàn hay bệnh thận, nhưng rất hiếm gặp. Bệnh có thể ảnh hưởng tới một hoặc cả hai bên tinh hoàn, thường gặp nhất là nam giới ngoài 40.

Biểu hiện tràn dịch màng tinh

Nang thừng tinh ở trẻ trai gây phồng to một bên bìu, căng và không đau, xuất hiện liên tục hoặc theo từng đợt, trẻ vẫn hoạt động bình thường.

Ở người lớn, tràn dịch màng tinh là do bệnh lý, nên gây ra nhiều triệu chứng khó chịu: đau bìu, nhức tinh hoàn theo từng cơn dữ dội, quặn thắt hoặc đau âm ỉ; tinh hoàn sưng một hay cả hai bên và chảy xệ; da bìu căng mỏng.

Tràn dịch màng tinh hoàn có nguy hiểm không?

Với trẻ em, những khối sưng ở bìu thường không nguy hiểm, nhưng nếu có thoát vị bẹn thì nên giải quyết sớm vì tình trạng này có thể gây tắc ruột.

Với nam giới trưởng thành, nếu không phát hiện và điều trị từ sớm sẽ để lại nhiều rủi ro đáng tiếc. Đó là:

  • Tinh hoàn bị ngâm lâu trong dịch sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới việc sản xuất tinh trùng và testosterone, chất lượng tinh trùng thấp, giảm khả năng thụ thai, tăng nguy cơ vô sinh
  • Đau đớn khiến nam giới mất đi ham muốn trong chuyện chăn gối
  • Nếu sưng bìu kèm xoắn tinh hoàn cần phải được điều trị trong vài giờ, nếu chậm trễ có thể phải cắt bỏ tinh hoàn

Điều trị tràn dịch màng tinh hoàn nhanh chóng, hiệu quả

Với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, tình trạng này có thể tự khỏi. Nhưng nếu trên 1 tuổi mà triệu chứng vẫn còn, hoặc sưng to khiến bé khó chịu thì nên phẫu thuật để thắt lại ống phúc tinh mạc. Sau can thiệp, tràn dịch màng tinh sẽ tự hết, chỉ cần dùng thêm giảm đau và kháng sinh. Sau 1 ngày với mổ nội soi và 1 tuần với mổ mở là trẻ có thể xuất viện.

Phẫu thuật nhanh chóng giải phóng tinh hoàn khỏi túi dịch

Với người lớn, việc điều trị tuỳ theo nguyên nhân, chủ yếu chích kim để đưa dịch ra ngoài. Thế nhưng cách này thường không triệt để, bệnh có thể tái lại nhiều lần. Có thể kết hợp với liệu pháp xơ hoá, đưa một chất ngăn tái tràn dịch vào trong tinh hoàn sau khi đã rút dịch ra ngoài, nhưng ít khi chỉ định mà dùng cho những người không đủ sức khoẻ để mổ.

Phương pháp mổ dẫn lưu dịch áp dụng nếu tràn dịch màng tinh có khả năng dẫn tới thoát vị bẹn. Bác sĩ sẽ rạch một lỗ nhỏ ở bìu hay bụng dưới nhằm dẫn dịch ra ngoài, sau đó khâu lại để bệnh không tái phát.

Bên cạnh những phương pháp kể trên, người bệnh cần dùng thêm thuốc để giải quyết vấn đề viêm nếu có.

Nói chung tràn dịch màng tinh hoàn ít để lại biến chứng cho nam giới, nhưng không vì vậy mà chủ quan. Bạn hãy nhớ rằng, điều trị sớm ngày nào thì chức năng của tinh hoàn sẽ được đảm bảo ngày đó.




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Đặt
Lịch
Hẹn
Tràn Dịch Màng Tinh Hoàn: Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị