U Xơ Tuyến Tiền Liệt Có Nguy Hiểm Không? Nguyên Nhân, Cách Chữa Trị

1308 Views

U xơ tuyến tiền liệt, với tên gọi khác là phì đại tuyến tiền liệt lành tính, thường mắc phải ở nam giới độ tuổi trung niên trở đi. Đa phần u xơ nhỏ không gây hại, nhưng kích thước lớn hay có biến chứng sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe của phái mạnh.

U xơ tuyến tiền liệt do đâu?

Bệnh này thực chất là sự nhân lên của các mô tuyến tiền liệt một cách lành tính. Cơ chế cụ thể vẫn chưa được tìm ra, nhưng nhiều nhà khoa học tin rằng rối loạn tuyến tiền liệt là do sự suy giảm nội tiết tố ở nam giới theo tuổi.

Cùng với những yếu tố từ chế độ ăn uống, môi trường ô nhiễm, áp lực công việc, thiếu ngủ, ít vận động… mà u xơ tiền liệt tuyến đang dần tấn công vào nam giới trẻ tuổi với tỷ lệ ngày một gia tăng.

Nhận biết dấu hiệu phì đại tiền liệt tuyến

Tùy vào mức phát triển của khối u xơ và khả năng thích ứng của nam giới mà biểu hiện bệnh được phân chia thành 3 mức độ, ứng với 3 giai đoạn như sau:

Giai đoạn cơ năng: Biểu hiện là khó đi tiểu thể nhẹ, nước tiểu thoát chậm thành dòng yếu hoặc ngắt quãng thành nhiều lần, mất nhiều thời gian để tiểu, sau khi đi xong vẫn còn nhỏ giọt lắt rắt chứ không hết hẳn.

Ngoài ra còn một dạng triệu chứng khác mà nam giới dễ nhận biết hơn, đó là khi đứng để tiểu thì lực bắn không mạnh, không ra xa mà rớt xuống ngay đầu mũi chân. Bên cạnh đó, do bàng quang bị tuyến tiền liệt chèn ép nên thường xuyên kích thích, khiến người bệnh hay mắc tiểu đột ngột, phải giải quyết ngay lập tức bất kể ngày và đêm, nhưng chủ yếu lúc tờ mờ sáng.

U xơ tuyến tiền liệt khiến nam giới mệt mỏi vì phải đi tiểu thường xuyên

Giai đoạn tổn thương thực thế: là khi đã có tình trạng giãn bàng quang, khiến nước tiểu bị ứ đọng trên 100ml. Triệu chứng cơ bản vẫn là khó đi tiểu, phải tiểu tiện nhiều lần và ngày càng nghiêm trọng. Dù vừa đi tiểu xong nhưng phái mạnh vẫn thấy trong cơ thể còn nước tiểu và có nhu cầu đi tiếp chỉ trong thời gian rất ngắn. Những rối loạn này ảnh hưởng một cách tiêu cực đến đời sống thường ngày của họ, làm họ bồn chồn lo lắng. Một số người bị nhiễm khuẩn do tồn đọng nước tiểu lâu tại bàng quang với biểu hiện tiểu buốt, nước tiểu đục do lẫn mủ viêm nên lại càng sợ hơn.

Giai đoạn tổn thương thực thể nặng: lúc này chức năng thận bị ảnh hưởng, khả năng tự điều chỉnh để thích nghi của cơ thể không còn nữa. Cụ thể: cơ bàng quang mỏng, mất tính đàn hồi nên nước tiểu tồn đọng ngày một nhiều, có nhiễm trùng. Tiểu khó đến nỗi các anh phải đi nhiều lần hoặc liên tục, cùng với đó là buồn nôn, chán ăn, thiếu máu, mệt mỏi, buồn ngủ thường xuyên, huyết áp tăng, phù nề do ứ dịch và chức năng thận kém, thậm chí suy thận.

Vì diễn tiến của u xơ tuyến tiền liệt còn thay đổi do nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như tốc độ lớn lên của khối u, khả năng thích nghi, sự đáp ứng với điều trị cũng như lối sống tại nhà nên không phải người nào cũng trải qua 3 giai đoạn bệnh kể trên..

U xơ tuyến tiền liệt nguy hiểm như thế nào?

Trong cả 3 giai đoạn, nếu xảy ra tình trạng bí tiểu hoàn toàn thì phái mạnh cần được cấp cứu kịp thời.

Bí tiểu cũng là biến chứng phổ biến nhất của u xơ tuyến tiền liệt. Người bệnh đau tức dữ dội, quặn thắt bụng dưới. Bên cạnh đó là những rủi ro khác như nhiễm trùng đường tiết niệu, đi tiểu ra máu, túi thừa bàng quang, sỏi bàng quang, viêm bể thận, suy thận…

Các biến chứng của bệnh đều nguy hiểm, nhất là khi đã có suy thận khiến nam giới đối diện với nguy cơ phải chạy thận nhân tạo, thay thận hoặc suy giảm tuổi thọ nếu như không can thiệp điều trị từ sớm.

Chạy thận nhân tạo vô cùng mệt mỏi và tốn kém

Khám để phát hiện sớm phì đại tuyến tiền liệt

Khám thực thể

Tại cơ sở y tế, các bác sĩ sẽ tiến hành một số thử nghiệm quan sát và đánh giá dòng nước tiểu của bệnh nhân. Tiếp theo cần phải kiểm tra hạ vị tìm dấu hiệu cầu bàng quang và kiểm tra thắt lưng tìm dấu hiệu ứ nước tại thận.

Quan trọng nhất là khám tuyến tiền liệt thông qua trực tràng bằng tay có đeo găng và chất bôi trơn. Khi u xơ đã lớn có thể sờ thấy được tuyến tiền liệt to, mềm, mất rãnh ở giữa, tròn đều (thay vì hình chóp nón) với ranh giới rõ ràng; khối u lớn hơn nữa thì mất bờ trên. Biện pháp này còn giúp chẩn đoán phân biệt với ung thư, vì u xơ thì tuyến mềm hoặc chắc còn bệnh ung thư thì tuyến tiền liệt cứng chắc.

Ngoài ra, còn phải kiểm tra trương lực co thắt của cơ hậu môn xem có viêm tuyến tiền liệt hay rối loạn thần kinh nào không, vì chúng cũng có thể là nguyên nhân gây khó đi tiểu, bí tiểu.

Làm xét nghiệm

  • Xét nghiệm nước tiểu: tìm dấu hiệu nhiễm khuẩn (tìm vi khuẩn, bạch cầu), kiểm tra chức năng thận (tìm hồng cầu, đo creatinine và ure niệu)
  • Định lượng chất đánh dấu ung thư: gồm có kháng nguyên PSA và phosphatase acid nhưng thường chỉ có các phòng xét nghiệm hiện đại mới sử dụng
  • Chụp X-quang: tìm sỏi bàng quang và/hoặc sỏi thận
  • Soi bàng quang và niệu đạo: tìm sỏi, túi thừa, khối u bàng quang đồng thời đánh giá sự xâm lấn của khối u xơ trong lòng bàng quang, từ đó chọn phương án phẫu thuật
  • Siêu âm tuyến tiền liệt: xác định kích thước tuyến tiền liệt, góp phần phân biệt u xơ với ung thư.

Ngoài ra, trong những trường hợp đặc biệt bác sĩ có thể chỉ định thêm đo niệu dòng đồ (lưu lượng nước tiểu) và áp lực đồ bàng quang (sức co bóp của bàng quang).

Chẩn đoán phì đại tuyến tiền liệt cần thực hiện ở cơ sở chuyên sâu

Chữa u xơ tuyến tiền liệt khó hay dễ?

U xơ tuyến tiền liệt có thể điều trị bằng thuốc hay can thiệp phẫu thuật cắt đốt nội soi tùy theo mức độ gây bí tiểu, kích thước khối u, có hay không nhiễm khuẩn, biến chứng, tuổi của bệnh nhân…. Tuy vậy, việc điều trị sớm vẫn rất quan trọng, nhằm bảo vệ hệ tiết niệu khỏi nhiều biến chứng không phục hồi và tiết kiệm được chi phí, giảm đau đớn.

Thuốc kiểm soát triệu chứng

Thuốc có ích cho bệnh nhân u xơ tuyến tiền liệt chưa biến chứng. Thông thường điều trị nội khoa vẫn là khởi đầu cho quá trình điều trị. Càng giúp người bệnh tránh xa, trì hoàn phẫu thuật càng lâu càng tốt. Ví dụ như: kháng sinh ngừa nhiễm khuẩn đường tiểu, giảm đau, thuốc điều trị giảm kích thước u xơ, các nhóm thuốc mở rộng đường tiểu giúp bệnh nhân đi tiểu dễ dàng hơn, thuốc kháng viêm, thuốc điều trị giảm co thắt,... Tùy theo từng trường hợp mà BS phối hợp sử dụng thuốc một cách hợp lý

Bên cạnh đó, nếu có triệu chứng bí tiểu hoàn toàn cần cho người bệnh đặt ống thông tiểu vài ngày, kết hợp các loại thuốc uống. Sau khi hết viêm mới gỡ ống thông niệu đạo và tập cho họ tự tiểu tiện.

Những nghiên cứu mới đây cho thấy các thuốc giảm kích thước u xơ và giảm trương lực cơ trơn có thể giúp ích bệnh nhân trong việc cải thiện triệu chứng đi tiểu. Đó là thuốc điều trị nội tiết (kháng GnRH, kháng thụ thể Androgen, ức chế 5 a-reductase, chế phẩm Progesterone), thuốc kháng a - adrenergic.

Phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt

Được áp dụng cho một trong những trường hợp sau: khi khối u đã lớn; thuốc không hiệu quả; bệnh nhân chỉ cần tháo ống thông tiểu là lại bí tiểu trở lại; bệnh có biến chứng: suy thận, sỏi bàng quang, túi thừa bàng quang, nhiễm khuẩn tái đi tái lại,...

Mổ cắt tuyến tiền liệt cho bệnh nhân

Có nhiều hình thức phẫu thuật khác nhau, nhưng hiện nay chỉ có 2 loại được ứng dụng phổ biến là:

  • Cắt đốt u xơ tuyến tiền liệt bằng nội soi qua ngả niệu đạo: là tiêu chuẩn vàng của điều trị phẫu thuật hiện nay. Sau khi gây tê tủy sống, tê ngoài màng cứng hay gây mê, bác sĩ đưa lưỡi dao điện tới vị trí tuyến tiền liệt bằng dụng cụ nội soi thông qua đường niệu đạo, cắt bỏ u xơ và cầm máu luôn. Phương pháp này có ưu điểm tính thẩm mỹ cao vì không có vết mổ, ít đau, chăm sóc hậu phẫu đơn giản, thời gian phục hồi nhanh. Tuy nhiên cũng tiềm ẩn một vài biến chứng như tổn thương lỗ niệu quản và vỏ tuyến tiền liệt, cơ thắt ngoài gây ra chứng đi tiểu không tự chủ, hẹp niệu đạo, viêm tinh hoàn – mào tinh, áp xe quanh bàng quang, rối loạn cương dương, đặc biệt là chảy máu (khối u càng lớn thì tỷ lệ chảy máu càng cao)
  • Mổ hở: khi u trên 70g hoặc khó khăn trong điều trị bằng phẫu thuật cắt đốt nội soi hoặc không có sẵn phương tiện. Phương pháp này yêu cầu mở bụng, mở bàng quang, tiếp cận tuyến tiền liệt rồi tiến hành thao tác bóc u xơ. Kết thúc phẫu thuật bệnh nhân có sẹo mổ phía dưới bụng, có thể chảy máu nhiều và có nguy cơ nhiễm trùng, tiểu không tự chủ, xuất tinh ngược hay hẹp cổ bàng quang, nhưng ít gặp.

Kết luận từ chuyên gia

Ngoài ra còn có những cách ít dụng khác như cắt bằng laser, bốc hơi nước tuyến tiền liệt, áp nhiệt, nút động mạch tuyến tiền liệt, tiêu hủy u xơ bằng kim hay nong niệu đạo với stent nhằm giải quyết tình trạng bí tiểu…

Trước khi điều trị, mỗi một bệnh nhân cần được thăm khám và đánh giá mức độ bệnh một cách cẩn trọng. Đây cũng là bệnh đòi hỏi tay nghề, kinh nghiệm cao ở bác sĩ. Vì vậy, phái mạnh nên chọn cho mình một nơi tin cậy, trang thiết bị hiện đại, thầy thuốc giỏi để có kết quả viên mãn nhất.



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Đặt
Lịch
Hẹn
U Xơ Tuyến Tiền Liệt Có Nguy Hiểm Không? Nguyên Nhân, Cách Chữa Trị