Bệnh Giang Mai: Giai Đoạn Phát Triển Và Thời Gian Ủ Bệnh Là Bao Lâu?

3117 Views

Bệnh giang mai được đánh giá là một trong những bệnh nguy hiểm nhất hiện nay, không chỉ bởi hậu quả của nó mà còn vì thời gian tiềm tàng lâu, dễ khiến người bệnh chủ quan. Có đến 15% người bị giang mai để tiến triển đến giai đoạn cuối và phải gánh chịu những biến chứng không thể phục hồi.

Nếu biết được từng thời kỳ tiến triển của giang mai, thời gian ủ bệnh sẽ giúp ích rất nhiều trong việc phát hiện, điều trị sớm và ngăn ngừa rủi ro.

Điểm danh các giai đoạn phát triển của bệnh giang mai

Bệnh giang mai được chia thành 4 giai đoạn. Trong đó hai giai đoạn đầu dễ lây nhiễm nhất, còn giai đoạn cuối lại tác động ghê gớm nhất đến sức khoẻ.

Sơ cấp – còn gọi là giang mai nguyên phát

Khoảng 2 – 6 tuần sau khi tiếp xúc với nguồn lây bệnh, một vết loét có chứa xoắn khuẩn giang mai xuất hiện tại vị trí tiếp xúc (âm đạo, cổ tử cung, dương vật, hậu môn, trực tràng, miệng họng…). Những vết loét trên da khá săn chắc, đứng riêng lẻ, không đau, không ngứa, đường viền rõ nét với kích thước từ 0.3 – 3.0cm. Chúng tồn tại từ 3 – 6 tuần nếu không chữa trị.

Thứ cấp – còn gọi là giang mai thứ phát

Giai đoạn thứ phát bắt đầu trong khoảng từ 4 – 10 tuần sau khi nhiễm xoắn khuẩn ở giai đoạn đầu tiên. Ở thời kỳ này, bệnh biểu hiện với triệu chứng đa dạng, thường liên quan đến da, niêm mạc và bạch huyết.

Người bệnh nổi mẩn đỏ đối xứng ở hai bên cơ thể, màu hồng đỏ, không ngứa, thường ở là lòng bàn tay và bàn chân nhưng cũng có thể ở bất cứ đâu trên cơ thể.

Đôi khi nốt mẩn trở nên sần sùi hoặc bưng mủ, lan toả thành các vùng tổn thương phẳng, rộng, màu trắng, giống như mụn cơm có lớp màng nhầy ở ngoài. Các vết này đều chứa xoắn khuẩn giang mai và có thể lây nhiễm nếu như tiếp xúc trực tiếp.

Các vết loét giang mai đối xưng 2 bên bàn tay

Bên cạnh đó, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng khác như sốt, nổi hạch, đau họng, đau khớp, khó chịu, sụt cân, rụng tóc và đau đầu. Hiếm gặp hơn là viêm gan, bệnh thận, viêm khớp, sưng cốt , viêm thần kinh thị giác, viêm màng bồ đào, viêm giác mạc kẽ. Đây là lý do mà bệnh giang mai được mệnh danh là “kẻ bắt chước vĩ đại” vì nó có thể gây ra các triệu chứng tương tự như nhiều bệnh khác.

Triệu chứng bệnh ở giai đoạn này rầm rộ trong 3 – 6 tuần, sau đó mất đi dù có điều trị hay không. Đáng nói là nhiều người có triệu chứng bệnh giang mai ở giai đoạn 2 mà không hề có bất thường từ trước.

Tiềm ẩn

Là giai đoạn thứ 3 của bệnh, được chia thành giai đoạn tiềm ẩn sớm và muộn.

Giang mai tiềm ẩn sớm được xác định sau gần 2 năm lây nhiễm ban đầu. 25% người bệnh ở giai đoạn này, có thể tái phát các triệu chứng của giai đoạn 2, xoắn khuẩn nhân lên nhanh chóng và dễ dàng lây nhiễm.

Giai đoạn bệnh giang mai tiềm ẩn thường khó phát hiện vì không triệu chứng

75% còn lại là giang mai tiềm ẩn muộn, rơi vào khoảng 2 năm sau khi nhiễm vi khuẩn ban đầu, người bệnh không có triệu chứng gì và không lây nhiễm. Thời kỳ này có thể kéo dài vài năm. Và không điều trị, khoảng 15% số họ phát triển thành giang mai cấp 3.

Giai đoạn cuối – bệnh giang mai cấp 3

Bệnh giang mai thời kỳ này xảy ra trong khoảng từ 3 – 15 năm sau lần lây nhiễm ban đầu và được chia thành 3 dạng khác nhau:

Giang mai lành tính (15%)

Xảy ra sau 1 – 46 năm nhiễm vi khuẩn, trung bình là 15 năm. Giai đoạn này đặc trưng bởi sự hình thành các u nướu mãn tính - là khối u mềm với các kích thước khác nhau. Chúng có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trong cơ thể.

Giang mai thần kinh muộn (6.5%)

Đây là dạng bệnh nhiễm trùng hệ thống thần kinh trung ương, có thể có hoặc không triệu chứng. Dạng này xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh giang mai. Nó gây viêm các động mạch vừa và nhỏ của thần kinh trung ương, gây đột quỵ, liệt dây thần kinh sọ và viêm tuỷ sống.

Triệu chứng như sau: sa sút trí tuệ, tính cách thay đổi, xuất hiện ảo giác, động kinh, rối loạn tâm thần và trầm cảm, liệt vùng lưng, đồng tử co lại khi người bệnh tập trung nhìn vào một vật nhưng lại không hề co lại khi tiếp xúc với ánh sáng mạnh, mù loà, điếc...

Giang mai tim mạch (10%)

Khởi phát sau 10 – 30 năm sau lần nhiễm bệnh đầu tiên. Biến chứng phổ biến nhất là viêm động mạch chủ, có thể dẫn đến phình động mạch chủ.

Bên cạnh đó, cần phải lưu ý đến giang mai bẩm sinh ở trẻ em, bị lây từ người mẹ. 2/3 trẻ mang mầm bệnh nhưng không có triệu chứng khi sinh ra. Trong vài năm đầu đời, trẻ có biểu hiện phổ biến là gan và lách to (70%), sốt (40%), giang mai thần kinh (20%) và viêm phổi (20%). Nguy hiểm hơn là 40% trẻ bị giang mai bẩm sinh có phát triển các dị tật như biến dạng mũi, miệng, ống chân, khớp, răng.

Có thể thấy sự phát triển của bệnh giang mai khá phức tạp, thời gian tiềm tàng không triệu chứng kéo dài lâu nên nguy cơ lây lan lớn. Hơn nữa, biến chứng của nó ở giai đoạn cuối cùng hoặc trên trẻ sơ sinh là cực kỳ nghiêm trọng.

Kết luận

Việc xác định giai đoạn bệnh giang mai rất khó nếu chỉ dựa vào triệu chứng. Người bệnh cần được xét nghiệm máu và/hoặc kiểm tra trực tiếp bằng kính hiển vi để xác định chắc chắn.

Nhìn chung bệnh giang mai sẽ nguy hiểm nếu không được điều trị, và tốc độ lây lan cũng rất đáng lo ngại. Vì vậy, người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ, điều trị thận trọng và sinh hoạt tình dục an toàn để bảo vệ bản thân cùng cộng đồng.




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Đặt
Lịch
Hẹn
Bệnh Giang Mai: Giai Đoạn Phát Triển Và Thời Gian Ủ Bệnh Là Bao Lâu?