Hậu môn là điểm cuối cùng của đường tiêu hoá với rất nhiều các tuyến, mạch máu, mô và đầu dây thần kinh nhạy cảm với đau, kích ứng và những thay đổi khác. Vì vậy khi hậu môn bị sưng, có rất nhiều tác nhân có thể là thủ phạm. Liệu đó có phải là dấu hiệu của bệnh nào đó và làm thế nào để khắc phục?
Điểm danh nguyên nhân gây sưng hậu môn
Sưng hậu môn có thể do nhiều thủ phạm khác nhau, có trường hợp vô hại, cũng có thể báo hiệu tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Sưng do viêm hậu môn: Đây là lý do phổ biến nhất, thường là do viêm niêm mạc hậu môn và hay bị chẩn đoán nhầm sang bệnh trĩ. Triệu chứng gồm có sưng, đau và tiết dịch thường xuyên gây ẩm ướt, đôi khi dịch có lẫn máu. Viêm hậu môn xảy ra khi bạn bị nhiễm trùng do quan hệ tình dục không an toàn, tiêu chảy kéo dài hoặc liên tục có chế độ ăn nhiều acid (cà phê, cam quýt).
Bệnh trĩ ngoại: Trĩ ngoại là tình trạng các mạch máu ở niêm mạc trực tràng, hậu môn bị giãn, tạo thành các búi và sa xuống dưới ra khỏi ống hậu môn. Bệnh này rất phổ biến ở thời đại ngày nay vì lối sống ít vận động, ngồi nhiều, ăn ít chất xơ, thói quen rặn hoặc ngồi lâu khi đi cầu hay ở phụ nữ có thai. Các búi trĩ sa xuống ở đợt cấp gây sưng đau và chảy máu.
Nứt hậu môn: Vết nứt hậu môn là hậu quả của việc phân cứng khó đại tiện, tiêu chảy mãn tính, hội chứng ruột kích thích, cơ thắt hậu môn quá chặt, các khối u hoặc nhiễm trùng hậu môn.
Nứt hậu môn cũng là bệnh lý thường gặp, dễ bị nhầm với trĩ. Ngoài triệu chứng sưng còn khiến người bệnh đau khi đi đại tiện và kéo dài vài giờ sau đó, chảy máu đỏ tươi và có thêm cục u nhỏ do mô xơ tạo nên bên cạnh vết nứt.
Áp xe hậu môn: Khi một tuyến nào đó ở hậu môn bị tắc và nhiễm trùng, nó có thể bưng mủ và gây áp xe hậu môn. Bên cạnh đó, nếu vị trí này có những vết nứt nhỏ khiến cho phân, vi khuẩn hay vật thể lạ xâm nhập cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Bệnh nhân đau đớn với hậu môn sưng thành nhiều khối lớn, khó đại tiện kèm theo sốt. Thông thường nam giới gặp nhiều hơn phụ nữ, phổ biến ở độ tuổi 20 – 40.
Lỗ rò hậu môn: Tình trạng này gặp ở 50% số người bị áp xe hậu môn. Bỗng nhiên một đường hầm xuất hiện, xuất phát từ thành hậu môn và thoát ra ngoài ở da mông. Bên cạnh sưng hậu môn, người bệnh bị kích thích và đau đớn thường xuyên kèm theo cảm giác ngứa. nghiêm trọng hơn là phân rò rỉ qua lỗ rò này.
Bệnh Crohn
Bệnh Crohn còn được gọi là viêm ruột từng vùng, là tình trạng viêm mạn tính ở đường tiêu hoá do di truyền. Bình thường, viêm chủ yếu là ở ruột non nhưng cũng có thể phát triển trên toàn bộ hệ thống tiêu hoá và ảnh hưởng tới hậu môn.
Triệu chứng chính bao gồm nứt và rò hậu môn. Nếu nặng hơn, người bệnh có sốt, rỉ dịch ở hậu môn và đi đại tiện không kiểm soát được.
Quan hệ tình dục: Những cặp đôi có quan hệ ở “cửa sau” quá thô bạo, chưa khởi động kỹ càng hoặc thiếu chất bôi trơn rất dễ làm tổn thương hậu môn, gây sưng tấy. Nếu không giữ vệ sinh, giao hợp ở hậu môn có nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn và các bệnh hoa liễu.
Ung thư hậu môn: Dù bệnh khá hiếm gặp nhưng cũng không thể loại trừ nguyên nhân này. Triệu chứng của ung thư hậu môn gần như tương tự các rối loạn khác, gồm có chảy máu, ngứa và đau đớn ở hậu môn, lúc nào cũng có cảm giác đầy ở trực tràng, đi đại tiện bất thường kèm theo tăng nhu động ruột.
Hậu môn bị sưng sẽ trở nên nghiêm trọng nếu đi kèm chảy máu không ngừng ở trực tràng, đau dữ dội, sốt và tiết dịch lạ.
Cách giải quyết các trường hợp hậu môn bị sưng
Để có phương án điều trị thì phải tìm ra được chính xác nguyên nhân nào khiến hậu môn bị sưng. Vì vậy, mọi trường hợp bạn nên đi khám để có kết quả chẩn đoán chính xác nhất từ bác sĩ chuyên khoa.
Ngoài quan sát bằng mắt thường, họ sẽ sử dụng kỹ thuật nội soi để quan sát chi tiết hơn bên trong hậu môn – trực tràng và cả đại tràng. Việc này không chỉ giúp xác định thủ phạm gây sưng hậu môn mà còn cho biết mức độ bệnh, và liệu nó có ảnh hưởng đến các vùng xung quanh hay không.
Điều trị sưng hậu môn do viêm: Phác đồ là thuốc bôi có chất làm tê lidocain, thuốc bôi hydrocortisone để chống sưng kết hợp với chườm đá và ngâm nước ấm 2 – 3 lần mỗi ngày. Nếu có táo bón thì bác sĩ sẽ kê đơn thêm thuốc làm mềm phân.
Bên cạnh đó, người bệnh cần thay đổi chế độ ăn với thật nhiều chất xơ từ rau quả, ngũ cốc nguyên cám; đồng thời giảm cà phê, ít ăn cay để tránh kích ứng đường tiêu hoá.
Chữa bệnh trĩ ngoại: Trong các đợt cấp gây đỏ và đau hậu môn có thể ngâm nước ấm 20 phút/lần, ngâm 2-3 lần 1 ngày, kết hợp dùng thuốc bôi kháng viêm và chườm đá vùng bị trĩ để giảm cảm giác đau đớn. Khi bệnh đã diễn tiến đến giai đoạn nặng như: sưng tấy, nhiễm trùng, lở loét thì các bác sĩ có thể cân nhắc điều trị phẫu thuật cắt búi trĩ.
Nứt hậu môn: người bệnh nên ăn nhiều chất xơ, kết hợp với thuốc làm mềm phân, thuốc bôi tại chỗ có lidocain, hiện nay người bị nứt hậu môn không biến chứng có thể được điều trị khỏi bằng cách tiêm Botox nhằm giúp giãn cơ vòng.
Áp xe: dẫn lưu phẫu thuật hiện đang là phương pháp hiệu quả nhất, để rút mủ ra khỏi ổ áp xe để vết tổn thương mau lành hơn kết hợp với dùng thuốc kháng sinh. Bên cạnh đó, những trường hợp có bệnh lý nền như tiểu đường, suy giảm miễn dịch được khuyến cáo nên sử dụng thêm kháng sinh liều cao.
Lỗ rò hậu môn: phẫu thuật để thắt hoặc bịt lại đường rò
Bệnh Crohn: điều trị đồng thời bằng kháng sinh, kháng viêm và thuốc giảm đau; chườm lạnh kết hợp với tắm nước nóng. Bên cạnh đó, thuốc chống tiêu chảy, nhuận tràng, giảm đau và bổ sung sắt – vitamin B12 – canxi – vitamin D cũng cần thiết.
Ung thư hậu môn: việc chữa trị phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ di căn của khối u vào cơ thể, tuổi tác cũng như sức khoẻ tổng thể của mỗi người. Nhưng phương pháp chung là hoá trị, xạ trị và/hoặc phẫu thuật.
Kết luận từ chuyên gia
Đúng là hậu môn bị sưng sẽ rất khó chịu nhưng phần lớn là điều trị được và không quá nguy hiểm, chỉ có một số ít nguyên nhân đáng lo ngại.
Vì vậy, bạn không nên lo lắng căng thẳng quá nhưng cũng không được chủ quan. Cách tốt nhất là đi khám để sớm có phương án xử lý phù hợp với nguyên nhân gây bệnh. Bên cạnh đó nên có lối sống lành mạnh, ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước và bỏ ngay thói quen ngồi lâu trên bồn cầu cũng như lười tập thể dục.