Đau Thắt Lưng: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị kịp thời

2712 Views

Chứng đau thắt lưng là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến nhiều người phải bỏ lỡ công việc cũng như ảnh hưởng đến sinh hoạt cơ bản nhất hằng ngày. Và đáng lo ngại hơn, nó là thủ phạm hàng đầu gây tàn tật trên thế giới. Nhưng thật may mắn rằng hầu hết cơn đau thắt lưng đều có nguyên nhân cụ thể và có giải pháp để phòng ngừa, điều trị.

Những lý do gây đau thắt lưng

Lưng của mỗi người là một cấu trúc phức tạp gồm các cơ, dây chằng, gân, đĩa đệm và xương. Chúng phối hợp cùng nhau để nâng đỡ cơ thể và giúp con người di chuyển. Bất kỳ vấn đề nào bất thường xảy ra tại những thành phần này hoặc ở các tạng vùng thắt lưng đều có thể dẫn đến đau lưng. Đó là:

Căng cơ hoặc chấn thương

Gồm có căng cơ hoặc dây chằng, co thắt cơ, hư đĩa đệm, chấn thương hay gãy xương vùng thắt lưng. Những tổn thương này có thể do bê vác vật quá nặng, sai tư thế, té ngã…

Cụ thể, ngồi gù lưng khi sử dụng máy vi tính có thể dẫn đến các vấn đề về lưng và vai, nó sẽ nặng dần theo thời gian. Đau thắt lưng cũng xảy ra sau những hoạt động như ho, hắt hơi, căng cơ, cong lưng trong thời gian dài, nâng vật nặng, đứng hoặc ngồi liên tục, lái xe gây căng cổ về phía trước, nệm không nâng đỡ cơ thể và giữ thẳng cột sống.

Tổn thương cấu trúc

Những vấn đề sai lệch trong cấu trúc của cơ thể cũng có thể là nguyên nhân khiến cho thắt lưng đau đớn.

  • Vỡ đĩa đệm: đĩa đệm là bộ phận nối các đốt sống với nhau. Nếu đĩa này vỡ sẽ có nhiều áp lực lên dây thần kinh, dẫn đến đau lưng
  • Đĩa phồng: đĩa đệm phình lên cũng gây chèn ép vào dây thần kinh
  • Đau thần kinh tọa: do đĩa đệm phồng hay lệch khỏi vị trí (thoát vị) đè lên dây thần kinh, khiến người bệnh hứng chịu cơn đau buốt dữ dội di chuyển dọc từ thắt lưng xuống mông và kéo dài tới gót chân
  • Viêm khớp: gây vấn đề xung quanh thắt lưng và hông
  • Cột sống cong bất thường, vẹo cột sống
  • Loãng xương tại đốt sống vùng thắt lưng, khiến xương giòn giòn và xốp, dễ gãy hơn
  • Các vấn đề về thận như sỏi thận hoặc nhiễm trùng thận có thể gây đau thắt lưng.
Bất thường ở thận gây đau thắt lưng cần được điều trị ngay

Nguyên nhân y tế

Một số bệnh lý có thể là thủ phạm khiến thắt lưng bị đau:

  • Hội chứng chùm đuôi ngựa: bó rễ thần kinh cuối cùng của tủy sống bị chèn ép, gây đau âm ỉ ở vùng từ thắt lưng đến mông, tê mông, cơ quan sinh dục và đùi. Hội chứng này còn làm gián đoạn vận động, cảm giác của hai chân, gây tiểu không tự chủ và người bệnh phải nhập viện trong tình trạng cấp cứu
  • Ung thư cột sống: khối u trên cột sống đè lên dây thần kinh, dẫn đến đau lưng
  • Nhiễm trùng cột sống: đau thắt lưng kèm sốt, sưng đỏ vùng cột sống thắt lưng
  • Nhiễm trùng khác: trong vùng chậu, bàng quang hoặc thận
  • Rối loạn giấc ngủ: người bị rối loạn giấc ngủ có nhiều nguy cơ bị đau thắt lưng hơn người khác
  • Zona thần kinh: virus Herpes ảnh hưởng đến dây thần kinh thắt lưng và gây đau

Những người có yếu tố nguy cơ sẽ có khả năng mắc phải chứng đau thắt lưng nhiều hơn người khác, đó là: nghề lái xe, văn phòng, phụ nữ mang thai, lối sống ít vận động, thể lực kém, người cao tuổi, béo phì và thừa cân, hút thuốc, tập thể dục hoặc làm việc vất vả, di truyền, có bệnh viêm khớp hoặc ung thư

Ngoài ra, hội chứng này phổ biến ở phụ nữ hơn là nam giới do vấn đề ở nội tiết tố. Người hút thuốc lá cũng có nguy cơ đau thắt lưng tăng dần theo thời gian. Vì hút thuốc vừa gây ho nhiều, vừa giảm lưu lượng máu đến vùng cột sống và tăng nguy cơ loãng xương.

Chỉ có một số ít người bị đau thắt lưng không xác định được nguyên nhân rõ ràng.

Triệu chứng đau thắt lưng nhất định phải lưu ý!

Cùng là đau vùng thắt lưng, nhưng triệu chứng rất đa dạng từ đau cơ âm ỉ đến bỏng rát, dữ dội hoặc đột ngột như dao đâm. Cơn đau cũng có thể lan xuống hông, chân hay trầm trọng hơn khi uốn, vặn người, nâng đồ, đứng lâu và đi lại.

Cơn đau thắt lưng lan xuống hông và chi dưới

Hầu hết các cơn đau này sẽ đỡ hơn nếu bạn dành thời gian nghỉ ngơi trong vài tuần. Nhưng phải đi khám ngay nếu đau kéo dài, ngày càng nặng và nghỉ ngơi cũng không bớt, đau lan xuống một hoặc cả hai bên chân (đặc biệt là dưới đầu gối); gây yếu, tê chân; giảm cân không rõ vì sao.

Dù hiếm gặp nhưng đau thắt lưng có thể rất nghiêm trọng nếu nguyên nhân là từ ruột, bàng quang, do chấn thương nặng hay kèm theo sốt. Các trường hợp này đều cần được hỗ trợ y tế càng sớm càng tốt

Điều trị đau thắt lưng như thế nào là tốt nhất?

Tùy theo nguyên nhân và mức độ đau mà bác sĩ có những hướng điều trị khác nhau.

Chữa đau thắt lưng tại nhà

Đây thường là phương án được đưa ra đầu tiên cho hầu hết bệnh nhân. Gồm có thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid (ibuprofen) để giảm những cơn khó chịu, kèm theo đó là chườm nóng hoặc chườm đá lên vùng bị đau.

Bạn hãy nhớ nghỉ ngơi nhiều hơn sau những hoạt động gắng sức, di chuyển nhẹ nhàng trong thời gian còn lại để giảm tình trạng cứng khớp, giảm đau và ngăn cơ bắp không bị suy yếu.

Can thiệp y tế

Dùng sau khi các biện pháp tại nhà không làm giảm đau thắt lưng. Bác sĩ sẽ chỉ định một hoặc kết hợp các cách sau đây:

  • Thuốc: dùng nhóm giảm đau mạnh hơn (codein hoặc hydrocodone) trong thời gian ngắn, thuốc giãn cơ, đôi khi có thêm thuốc chống trầm cảm.
  • Vật lý trị liệu: chườm nóng, chườm đá, siêu âm và kích thích bằng dòng điện cũng như một số kỹ thuật giải phóng cơ lưng và mô mềm khác. Sau khi cơn đau cải thiện, chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bạn một số bài tập nhằm tăng tính linh hoạt và sức mạnh cho cơ lưng, cơ bụng; kỹ thuật cải thiện tư thế. Khi đã khỏi, người bệnh vẫn nên tập luyện theo hướng dẫn này để ngăn cơn đau tái phát.
  • Tiêm cortisone: nếu hai phương pháp trên không hiệu quả, cần thiết phải tiêm cortisone vào khoang ngoài màng cứng, xung quanh tủy sống. Thuốc này giúp giảm viêm quanh rễ thần kinh và làm tê các khu vực có cơn đau
  • Tiêm Botox: làm tê cơ nên giảm đau. Một mũi có tác dụng trong 3 – 4 tháng.
  • Dùng lực kéo: sử dụng dây kéo và tạ dùng để kéo căng lưng, chủ yếu giúp các trường hợp lệch vị trí đĩa đệm có thể trở lại như ban đầu
  • Liệu pháp nhận thức hành vi: bao gồm kỹ thuật thư giãn và cách duy trì thái độ tích cực, hướng người bệnh suy nghĩ đến những vấn đề khác thay vì chăm chăm vào cơn đau. Những người này có xu hướng năng động hơn và tập thể dục thường xuyên, giảm nguy cơ tái phát đau lưng.
  • Phẫu thuật: rất hiếm gặp, chỉ dành cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm nặng, có cơn đau dai dẳng và chèn ép dây thần kinh dẫn tới yếu cơ. Thủ thuật có thể gồm cắt bỏ đĩa đệm, thay đĩa nhân tạo, bỏ một phần đốt sống hay nẹp đốt sống bằng xương và đinh vít, tiêm tế bào để tái tạo đĩa đệm cột sống.

Ngoài ra còn có một số liệu pháp bổ sung khác được chỉ định cùng với các biện pháp điều trị kể trên, chẳng hạn như nắn xương, massage, châm cứu, yoga cũng có tác dụng rất tốt.

Bài tập rèn luyện cơ thắt lưng và cơ bụng

Biện pháp phòng ngừa đau thắt lưng tái phát

Bằng những thay đổi nhỏ trong lối sống, bạn hoàn toàn có thể ngăn ngừa hoặc phòng tái phát đau thắt lưng.

  • Tập thể dục: đi bộ nhẹ nhàng hay bơi lội là những bài tập phù hợp, giúp tăng sức mạnh và độ bền ở lưng, nhờ đó mà cơ bắp hoạt động dẻo dai hơn.
  • Xây dựng sức mạnh cơ bắp và sự linh hoạt: bằng các bài tập cơ bụng và cơ lưng, tạo điều kiện để tăng cơ
  • Duy trì cân nặng phù hợp: thừa cân làm căng cơ lưng nên hãy giảm cân nhé
  • Bỏ hút thuốc: thuốc cũng là yếu tố khiến đau thắt lưng tăng theo từng ngày
  • Đi đứng cẩn thận: đi lại nhẹ nhàng và luôn đứng thẳng lưng để trọng lượng cơ thể dồn về chân nhiều hơn
  • Ngồi đúng tư thế: chọn một chiếc ghế hỗ trợ tốt cho lưng dưới, có tay vịn và đế xoay. Bạn có thể đặt thêm một chiếc gối hoặc khăn cuộn nhỏ ở phần eo để duy trì đường cong bình thường của lưng. Giữ đầu gối ngang bằng với hông, thay đổi vị trí ít nhất 30 phút 1 lần.
  • Tránh nâng vật nặng: nếu bắt buộc phải làm, bạn nên dồn trọng lực vào chân bằng cách giữ lưng thẳng và chỉ uốn cong phần đầu gối, ôm vật đó sát cơ thể để giảm lực tác động vào vùng lưng.
  • Ăn đầy đủ, nhất là canxi và vitamin D3 để phòng ngừa loãng xương.
  • Phụ nữ nên đi giày bệt thay vì giày cao gót

Kết luận

Nhìn chung đau thắt lưng là một triệu chứng có thể xuất hiện trong rất nhiều loại bệnh khác nhau. Vì vậy, khi đã loại trừ nguyên nhân do tư thế hay vận động, bạn nên tới cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán, từ đó mới có phương án điều trị phù hợp được.



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Đặt
Lịch
Hẹn
Đau Thắt Lưng: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị kịp thời