Đau Tinh Hoàn, Đau Bìu : Nguyên Nhân, Cách Chẩn Đoán, Phương Pháp Điều Trị

2937 Views

Bìu là nơi chứa tinh hoàn với chức năng sản xuất tinh trùng và nội tiết tố nam testosterone. Đau bìu hay còn gọi đau tinh hoàn là những cơn đau, sự khó chịu ở một hoặc cả hai bên tinh hoàn. Cơn đau có thể là mạn tính (kéo dài trên 3 tháng) hoặc cấp tính (mới xuất hiện trong vòng 1-2 tuần).

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này. Bạn cần thăm khám kịp thời để tìm ra nguyên nhân chính xác và cách điều trị thích hợp để tránh những hệ quả xấu về sau đối với sức khỏe sinh sản.

Nguyên nhân đau bìu

Đau bìu ở nam giới (Ảnh minh họa)

Đối với tình trạng mạn tính, cơn đau có thể kéo dài liên tục hoặc từng đợt. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này, trong đó có khoảng 50% ca bệnh lại không rõ nguyên nhân.

Đau bìu có thể xuất hiện do một số nguyên nhân xác định sau đây:

  • Ở tinh hoàn: Chấn thương, viêm tinh hoàn, bướu ở tinh hoàn, sẹo và teo tinh hoàn hay xoắn tinh hoàn (thường chỉ xảy ra đối với trẻ nhỏ, thanh thiếu niên chứ không xuất hiện ở nam giới ngoài 30 tuổi)
  • Ở mào tinh: Viêm, sưng nề mào tinh mạn tính, tắc mào tinh
  • Đối với bìu: Tràn dịch tinh mạc, u hạt tinh trùng
  • Đối với hệ tiết niệu: Hẹp niệu đạo, sỏi thận…
  • Ở ngoài bìu: Thoát vị đĩa đệm, hậu ghép thận, bệnh hoại thư (gangrene) Fournier với sự phát triển huyết khối của mạch trong bìu và dương vật, thoát vị bẹn, bệnh quai bị...

Chẩn đoán đau bìu ra sao?

Theo bác sĩ Đoàn Anh Sang-Trung tâm sức khỏe nam giới-Men’s Health, để chẩn đoán đau bìu mạn tính, cần dựa trên tiền sử bệnh lý cũng như khám bìu một cách cẩn thận, đồng thời có thể làm các xét nghiệm tiết niệu khác. Khi khám bìu, bệnh nhân sẽ đứng ở hai tư thế đứng và nằm. Bác sĩ sẽ khám lâm sàng, chú ý về kích thước và sự nhạy cảm ở tinh hoàn.

Các xét nghiệm cần thiết có thể kể đến:

  • Phân tích nước tiểu
  • Siêu âm bìu, siêu âm ngả trực tràng
  • Chụp CT hay chụp cộng hưởng từ (MRI) nếu cần thiết

Phương pháp điều trị đau bìu

Phương pháp điều trị đau bìu sẽ phụ thuộc rất lớn vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu bác sĩ đã khám và xác định được nguyên nhân cụ thể thì việc điều trị đau bìu sẽ nhằm vào bệnh lý đó. Chẳng hạn:

Nếu đau bìu do:

  • Viêm mào tinh mạn tính: Điều trị cần bắt đầu bằng kháng sinh đặc hiệu. Nếu bệnh nhân đã có đủ số con thì có thể tiến hành cắt bỏ mào tinh khi điều trị nội khoa (dùng thuốc) không mang lại hiệu quả.
  • Giãn tĩnh mạch tinh: Điều trị giãn tĩnh mạch tinh chủ yếu là nội khoa với các thuốc kháng viêm. Phác đồ điều trị đau bìu do giãn tĩnh mạch tinh như sau: xét nghiệm tinh dịch đồ hai lần, cách nhau 1 tháng. Trong thời gian 1 tháng đó, bệnh nhân nên dùng các thuốc kháng viêm giảm đau phối hợp với các thuốc tăng cường sức bền tĩnh mạch.

Nếu nguyên nhân gây đau bìu chưa được xác định rõ ràng:

Đối với các trường hợp không rõ nguyên nhân, việc điều trị cần được bắt đầu bằng việc dùng thuốc, tâm lý trị liệu, vật lý trị liệu và ngoại khoa (phẫu thuật) nếu các phương pháp trước đó không mang lại hiệu quả.

Bởi vì tinh hoàn là cơ quan vô cùng nhạy cảm nên chỉ một tác động nhỏ thôi cũng có thể khiến “hòn ngọc” bị tổn thương. Do đó, khi vùng bìu hoặc bẹn có những dấu hiệu sưng đau, nóng đỏ bất thường, bạn nên đến khám tại các trung tâm uy tín về Nam khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Xem thêm bài viết liên quan:




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Đặt
Lịch
Hẹn
Đau Tinh Hoàn, Đau Bìu : Nguyên Nhân, Cách Chẩn Đoán, Phương Pháp Điều Trị - Phòng Khám Nam Khoa Men's Health