Ung Thư Tinh Hoàn: Dấu Hiệu, Chẩn Đoán Và Điều Trị

2818 Views

Ung thư tinh hoàn là một trong những bệnh ung thư phổ biến ở nam giới trẻ tuổi. Người ta ước tính rằng 8.000 đến 10.000 nam giới sẽ mắc bệnh ung thư này mỗi năm. Đối tượng nam giới mắc bệnh phổ biến nhất từ 15 đến 35 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh cũng cao hơn từ 2,5 đến 20 lần đối với bệnh nhân có tinh hoàn ẩn.

Điều may mắn là bệnh này có tỷ lệ chữa khỏi cao và tiên lượng tốt. Tuy nhiên việc phát hiện bệnh có phần khó khăn, bởi không phải ai mắc ung thư tinh hoàn cũng đều có triệu chứng. 

Dấu hiệu ung thư tinh hoàn

- Có khối u không đau hoặc đau âm ỉ: Đa phần người bệnh ung thư tinh hoàn đều có dấu hiệu sờ thấy cục u, kích thước đáng kể (khoảng vài cm). Các tổn thương nhỏ, không thể sờ thấy, không đau và không di căn xa thì khả năng cao là u lành tính. Tổn thương lành tính có thể bao gồm nang tinh hoàn, ổ nhồi máu nhỏ hoặc u tế bào Leydig nhỏ hoặc tế bào Sertoli.

- Đau tinh hoàn: cảm giác khó chịu và nặng tức ở bìu. Một số trường hợp u tinh hoàn phát triển nhanh có thể kèm theo xuất huyết trong khối u có thể gây đau cấp tính hoặc đau khi sờ nắm.

- Nổi hạch to sau phúc mạc: đây có thể là dấu hiệu ung thư đã di căn đến ổ bụng kèm theo đau bụng, hạ sườn hoặc lưng do sự xâm lấn hoặc tắc nghẽn trực tiếp của các cơ, mạch máu hoặc niệu quản. Nếu ung thư di căn lên phổi có thể gây đau ngực, khó thở và ho.

- Vô sinh: bệnh ung thư tinh hoàn có thể dẫn đến giảm khả năng sinh tinh và gây vô sinh ở nam giới, nên đây cũng có thể được xem là dấu hiệu mà nam giới cần phải kiểm tra tinh hoàn.

Chẩn đoán ung thư tinh hoàn

- Siêu âm bẹn - bìu có thể phát hiện đến khối u hoặc tràn dịch màng tinh hoàn.

- Siêu âm ổ bụng phát hiện tình trạng tinh hoàn lạc chỗ, các tổn thương bất thường khác trong ổ bụng.

- CT, MRI và X-quang được thực hiện trước hoặc sau chẩn đoán ung thư tinh hoàn nhằm đánh giá mức độ phát triển của tế bào ung thư.

- Sinh thiết khối u

- Xét nghiệm chất chỉ điểm khối u như AFP, LDH và beta-HCG

Các giai đoạn ung thư tinh hoàn

Giai đoạn 1: Ung thư còn trong giới hạn tinh hoàn.

Giai đoạn 2: Ung thư đã di căn đến hạch bạch huyết ở bụng.

Giai đoạn 3: Ung thư đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể như: phổi, gan, xương và não.

Điều trị ung thư tinh hoàn

Tùy vào mức độ tiến triển của ung thư tinh hoàn và tình trạng sức khỏe, các bác sĩ sẽ chọn phương pháp chữa trị phù hợp. Trong đó, phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn và nạo vét hạch bẹn được xem là phương pháp nền tảng trong điều trị. Người bệnh có thể đặt tinh hoàn nhân tạo ở chỗ tinh hoàn đã bị cắt bỏ để đảm bảo tính thẩm mỹ. 

Các phương pháp xạ trị, phẫu thuật nạo hạch di căn hay hóa trị liệu là những phương pháp được cân nhắc điều trị khi có chỉ định của bác sĩ.

Cách tự kiểm tra tinh hoàn

- Bước 1: Đứng trước gương, kiểm tra da bìu để tìm dấu hiệu phù nề và quan sát kích thước tinh hoàn. Trường hợp tinh hoàn bên to bên nhỏ, không đều, chênh lệch không đáng kể cũng là bình thường. 

- Bước 2: Dùng tay sờ nắn từng bên tinh hoàn. Dùng ngón trỏ và ngón giữa đặt bên dưới tinh hoàn, ngón cái đặt trên tinh hoàn. Lăn nhẹ nhàng tinh hoàn trên các ngón tay để tìm các cục u bất thường.

- Bước 3: Xác định mào tinh hoàn và kiểm tra (mào tinh là ống mềm nằm phía sau tinh hoàn có nhiệm vụ chứa tinh binh)

Lời kết

Ung thư tinh hoàn là bệnh lý có tỷ lệ chữa khỏi cao nếu được phát hiện sớm. Để nhận biết các dấu hiệu bất thường ở tinh hoàn, nam giới cần phải thường xuyên tự kiểm tra tinh hoàn và đi khám ngay khi xuất hiện những cơn đau tinh hoàn, nặng bìu, sưng bìu...




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Đặt
Lịch
Hẹn
Ung Thư Tinh Hoàn: Dấu Hiệu, Chẩn Đoán Và Cách Điều Trị